|
  • :
  • :

Gắn kết, xây dựng ngành hàng lúa gạo bền vững hơn, xanh hơn, trách nhiệm hơnBài cuối: Thay đổi tư duy, tạo giá trị gia tăng cho chuỗi ngành hàng 

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" hướng tới mục tiêu hình thành 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Chia sẻ về ý nghĩa của đề án cũng như việc phát huy vai trò của cơ quan nghiên cứu khoa học về cây lúa trong quá trình tham gia vào đề án, Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết:

 

- Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11-2023 mở ra nhiều cơ hội đối với ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Đặc biệt, ngày 28-11-2023, Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 959/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, với sự tham gia của tất cả các tác nhân trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, thương lái, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngân hàng cung ứng vốn cho sản xuất, tiêu thụ, các nhà khoa học, chính quyền địa phương… Khi đó, việc thực hiện đề án sẽ gắn với phát huy vai trò của Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo và các địa phương, tập hợp nông dân liên kết với nhau trong quá trình sản xuất lúa, các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào cũng phải minh bạch nguồn gốc xuất xứ. Quy trình canh tác cũng phải chuẩn hóa, theo hướng bền vững. Thông tin về nhu cầu thị trường cần được công khai để người sản xuất tuân thủ theo, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm tại thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh tính bền vững trong sản xuất, quan tâm đến yếu tố môi trường, đặc biệt, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính. Đây là vấn đề liên quan chủ yếu đến các kỹ thuật canh tác. Làm thế nào để chi phí sản xuất lúa giảm thông qua việc giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật qua đó làm giảm tác động tiêu cực lên môi trường và mang đến lợi nhuận lợi kép cho người nông dân. Khi đó nông dân được tư vấn, khuyến cáo áp dụng quy trình canh tác giảm chi phí đầu vào mà vẫn đảm bảo được năng suất đầu ra gắn với giảm phát thải khí nhà kính. Khi đảm bảo được các tiêu chuẩn an toàn, nông dân không chỉ đáp ứng được yêu cầu giảm chi phí, hướng đến bán tín chỉ carbon và kéo theo lợi nhuận sẽ tăng thêm. Nông dân vừa giảm được chi phí đầu vào, xây dựng được thương hiệu, nâng cao uy tín của sản phẩm lúa gạo. Dần dần, khi thấy được giá trị gia tăng thêm từ việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, nông dân sẽ tiếp tục cắt giảm việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, giảm những tồn đọng hạn chế trong quá trình sản xuất. Trên lý thuyết và theo mục tiêu của đề án là vậy nhưng để làm được bắt buộc nông dân và doanh nghiệp cũng phải xắn tay làm việc cùng nhau và có vai trò của cả Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cùng các địa phương.

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL (thứ 3 từ phải sang) giới thiệu khu ruộng thí nghiệm và các định hướng nghiên cứu của Viện.

* Để đạt được 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, không thể thiếu sự đóng góp của các giống lúa. Như vậy, yêu cầu đặt ra cho Viện Lúa là gì, thưa Tiến sĩ?

- Để đạt được những mục tiêu đặt ra của đề án có rất nhiều giải pháp, trong đó không thể thiếu sự đóng góp của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lúa. Trong đó ở khâu đầu vào là sử dụng giống lúa phù hợp với nhu cầu thị trường và đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Thời gian qua, nông dân đã nâng cao nhận thức về sử dụng giống cấp xác nhận để phục vụ gieo trồng. Các địa phương đã tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất hạt giống lúa để cung ứng cho nông dân kịp thời. Tuy nhiên, các giống lúa đưa vào canh tác có bản quyền hay không, có đảm bảo phẩm chất giống, có qua kiểm định chất lượng theo quy định về sản xuất, kinh doanh giống lúa hay không vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh. Các đơn vị sản xuất và cung ứng giống bài bản chỉ tập trung ở một số viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn và trung tâm giống. Nhiều địa phương công bố tỷ lệ giống xác nhận sử dụng cho sản xuất lên đến hơn 80%, nhưng trong đó, đa phần là giống được sản xuất từ các tổ sản xuất và các hợp tác xã hoặc cá nhân và chất lượng giống vẫn còn là vấn đề cần xem xét.

Để hình thành ngành công nghiệp về giống lúa phục vụ cho 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao đòi hỏi phải đảm bảo nhiều yêu cầu khắt khe theo quy trình giống 3 cấp: siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận và chất lượng giống cho từng cấp phải được đơn vị chuyên môn giám định. Trong khuôn khổ của Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 703/QĐ-TTg, ngày 28-5-2020, Viện Lúa đang đẩy mạnh việc sản xuất giống cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng và phối hợp với các đơn vị liên kết trong sản xuất giống cấp xác nhận. Viện Lúa sẵn sàng phối hợp với địa phương tổ chức sản xuất lúa giống tại chỗ để đảm bảo có nguồn lúa giống đúng chất lượng phục vụ cho vùng sản xuất ở địa phương. Các vùng sản xuất lúa giống này không chỉ khắc phục cho tình trạng thiếu hụt lúa giống tại chỗ mà còn có thể được mở rộng để tham gia vào mạng lưới cung ứng giống đầu vào cho nông dân ở các địa phương khác trong vùng ĐBSCL.

* Viện Lúa có định hướng ra sao về nghiên cứu chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác lúa bền vững để góp phần hình thành vùng chuyên canh lúa phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh theo mục tiêu của Đề án?

- Thời gian qua, thông qua dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) có 8 địa phương ở ĐBSCL đã tham gia chương trình và áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa, giúp người nông dân hưởng lợi rất rõ khi giảm chi phí đầu vào, giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường và sức khỏe người trồng lúa. Bên cạnh việc áp dụng kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", Viện Lúa phối hợp với các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương tiếp tục nghiên cứu áp dụng kỹ thuật điều tiết nước "ngập khô xen kẽ" sao cho phù hợp với điều kiện của các vùng canh tác và quản lý rơm rạ sau thu hoạch. Qua đó góp phần giảm hiệu ứng nhà kính từ việc đốt rơm rạ, tận dụng được nguồn phụ phẩm này để gia tăng thu nhập và có thể được tái sử dụng lại làm phân bón cho cây trồng.

Về định hướng nghiên cứu lâu dài, Viện sẽ đánh giá lại nguồn vật liệu di truyền từ các giống lúa mùa địa phương để tìm ra nguồn gen sử dụng phân đạm hiệu quả. Từ đó tiến tới lai tạo ra các giống lúa có khả năng là sử dụng phân đạm hiệu quả hơn, tiêu thụ phân bón ít đi. Bởi nếu giống lúa hấp thụ đạm không hiệu quả, đạm sẽ được phóng thích ra ngoài dưới dạng nitơ oxit là tác nhân gây hiệu ứng nhà kính rất mạnh. Ngoài ra, Viện sẽ tiến hành đánh giá khả năng phát thải khí metan của các giống lúa trong điều kiện ngập khô xen kẽ hay ngập liên tục, từ đó tìm ra giống lúa phát thải khí metan thấp. Sự tương tác giữa cây lúa và cộng đồng vi sinh vật trong đất sẽ làm thúc đẩy phóng thích khí metan như thế nào để tìm giải pháp ức chế phù hợp như canh tác trong điều kiện "ngập khô xen kẽ" hay bằng phương pháp khoa học thay thế nào khác cũng cần tiếp tục được nghiên cứu phù hợp. Hy vọng các kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần giúp giảm thêm chi phí và người nông dân có thêm nguồn thu từ tín chỉ carbon do cắt giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa trong tương lai.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Nguồn: https://baocantho.com.vn/gan-ket-xay-dung-nganh-hang-lua-gao-ben-vung-hon-xanh-hon-trach-nhiem-honbai-cuoi-thay-doi-tu-du-a168520.html