|
  • :
  • :

Gắn kết, xây dựng ngành hàng lúa gạo bền vững hơn, xanh hơn, trách nhiệm hơn 

Bên cạnh việc góp phần làm thay đổi cơ cấu giống cho sản xuất lúa vùng ÐBSCL, Viện Lúa ÐBSCL còn tăng cường liên kết, hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ cho sản xuất, chế biến; cung cấp dịch vụ cho ngành hàng lúa gạo và hệ thống canh tác trên nền đất lúa của TP Cần Thơ. Ðây được xem như hình mẫu hợp tác giữa cơ quan nghiên cứu và địa phương để hướng đến tham gia hiệu quả vào Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030” trong thời gian tới.

Bài 2:  Tạo dựng giá trị riêng cho cây lúa và người trồng lúa

Thu hoạch lúa giống tại khu ruộng thí nghiệm của Viện Lúa ÐBSCL.

Chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Viện Lúa ÐBSCL tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp thành phố tham mưu, tư vấn để xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương về phát triển nông nghiệp của TP Cần Thơ như kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020”, dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ (VnSAT Cần Thơ)… Viện thường xuyên tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho dự án (VnSAT-Cần Thơ), xây dựng mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần tại xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ (20ha/năm); xây dựng mô hình diện rộng áp dụng “Gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến” diện tích 3.000ha, thuộc Dự án Sản phẩm quốc gia lúa gạo…

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) TP Cần Thơ, những năm qua TP Cần Thơ kết nối với Viện Lúa cũng như số đơn vị hình thành được vùng sản xuất lúa giống khoảng hơn 4.000ha, tập trung ở Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh. Hiện nay, Viện Lúa cũng đang kết nối với huyện Thới Lai để xây dựng các vùng vệ tinh chuyên sản xuất lúa giống xung quanh Viện. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tập trung triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, các giải pháp tiến bộ kỹ thuật do Viện Lúa ÐBSCL nghiên cứu để sớm chuyển giao, lan tỏa vào sản xuất của nông dân. Năm 2022, Viện Lúa đã hỗ trợ ngành Nông nghiệp đào tạo được 20  người  điều khiển máy bay không người lái phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ðây cũng là công việc mới, có liên quan đến ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của vùng ÐBSCL. Tại các mô hình khảo nghiệm giống lúa, Sở NN&PTNT cũng kết nối để áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến của Viện Lúa ÐBSCL về quản lý sử dụng giống, phân bón hiệu quả, ứng dụng máy bay không người lái để cơ giới hóa khâu gieo sạ, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, bón phân…

Viện Lúa ÐBSCL cũng phối hợp với các huyện của TP Cần Thơ xây dựng vùng lúa giống chất lượng cao. Theo ông Ðoàn Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, trên địa bàn huyện có nhiều hợp tác xã sản xuất lúa giống được hình thành qua nhiều năm và chuyên cung ứng giống có hợp đồng liên kết với các đơn vị chuyên về sản xuất, cung ứng giống lúa, trong đó có Viện Lúa ÐBSCL. Trong đó có thể kể đến các hợp tác xã như Thần Nông, Khiết Tâm, Hiếu Bình, Quỳnh Phúc, Giống cây trồng Thạnh Tiến… Bình quân, nông dân sản xuất giống có thể tăng thu nhập từ 1.000-2.000 đồng/kg lúa giống so với lúa hàng hóa. Với kinh nghiệm sản xuất lúa giống lâu năm và hợp tác với các đơn vị uy tín, các hợp tác xã sản xuất giống trên địa bàn huyện đều sẵn sàng mở rộng quy mô, diện tích canh tác giống theo yêu cầu đặt ra của các đơn vị đối tác. Ðặc biệt, trong định hướng phát triển của thành phố là hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ nông nghiệp phục vụ cho vùng ÐBSCL.

Góp sức tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Trong giai đoạn mới, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cần phát huy những thế mạnh riêng có để hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn, chế biến bảo quản nông sản và thúc đẩy phát triển cơ giới đồng bộ trong nông nghiệp. Trên cơ sở bản ghi nhớ hợp tác trong giai đoạn 2023-2028, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ và Viện Lúa ÐBSCL thống nhất mục tiêu nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nhất là khả năng ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành hàng lúa - gạo. Xây dựng và phát triển chuỗi liên kết giá trị từ khâu giống đến thu hoạch, đóng gói, bảo quản, tiêu thụ phục vụ vùng sản xuất lúa hàng hóa của TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL. Ðây cũng là điều kiện để Cần Thơ thực hiện thành công Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn thành phố.

Thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ định hướng phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị nông nghiệp, hướng đến trung tâm cung cấp dịch vụ nông nghiệp của vùng ÐBSCL, trong đó có vai trò trung tâm về sản xuất giống. Liên quan đến vấn đề xây dựng bộ giống lúa để gắn với nhãn hiệu gạo Cần Thơ, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo Cần Thơ cho Sở NN&PTNT TP Cần Thơ. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, việc xây dựng nhãn hiệu gạo Cần Thơ là mong mỏi của ngành Nông nghiệp và bà con nông dân thành phố gắn với câu ca dao: “Cần Thơ gạo trắng, nước trong. Ai đi đến đó, lòng không muốn về”. Xây dựng hình ảnh hạt gạo Cần Thơ gắn với một số vùng sản xuất lúa trọng điểm và gắn với nhãn hiệu gạo Cần Thơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhãn hiệu gạo Cần Thơ đã có nhưng việc gắn giống lúa cụ thể vào nhãn hiệu gạo Cần Thơ chưa được thực hiện hiệu quả cũng như chưa có quy chế để các doanh nghiệp, khai thác, sử dụng nhãn hiệu. Chính vì vậy thời gian qua Sở NN&PTNT, Viện Lúa được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố hỗ trợ thực hiện dự án khoa học công nghệ tuyển chọn giống lúa thơm đặc sản gắn với với nhãn hiệu gạo Cần Thơ. Xây dựng quy chế để các doanh nghiệp được phép sử dụng nhãn hiệu gạo Cần Thơ và đưa vào sản xuất kinh doanh. Dự án được triển khai vào cuối năm 2022 và đã phát triển được một số giống lúa. Một số giống lúa thơm đặc sản đang được sản xuất khảo nghiệm trong vụ đông xuân 2023-2024.

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL, Cần Thơ là địa phương có tiềm năng khoa học - công nghệ cả về nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất để phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao phục vụ cho vùng ÐBSCL. Thời gian tới, Viện Lúa cùng Sở NN&PTNT TP Cần Thơ sẽ tăng cường liên kết và hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ cho sản xuất, chế biến và dịch vụ cho ngành hàng lúa gạo và hệ thống canh tác trên nền đất lúa của TP Cần Thơ. Hai bên cũng hợp tác trong việc tư vấn các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực trồng trọt và tham gia các hội đồng thẩm định, nghiệm thu và đánh giá các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của TP Cần Thơ. Ðồng thời, đẩy mạnh việc tập huấn, chuyển giao công nghệ và phát triển các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, gắn với chế biến và tiêu thụ. Ðặc biệt là triển khai thực hiện Ðề án “Xây dựng và phát triển 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn liền với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030” của TP Cần Thơ. Bên cạnh đó, hợp tác trong việc triển khai thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với giống lúa và xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa giống nguyên liệu cho vùng ÐBSCL cũng như phối hợp đề xuất chương trình nghiên cứu toàn diện trên cây lúa cho vùng.

Bài cuối:  Thay đổi tư duy, tạo giá trị gia tăng cho chuỗi ngành hàng

Nguồn: https://baocantho.com.vn/gan-ket-xay-dung-nganh-hang-lua-gao-ben-vung-hon-xanh-hon-trach-nhiem-hon-a168478.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin