Khách hàng xem sản phẩm sâm Ngọc Linh trưng bày tại phiên chợ. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN
Tham gia phiên chợ đặc biệt này có 60 cơ sở kinh doanh và đồng bào dân tộc Xê Đăng của 7 xã trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My. Thời điểm tháng 8, cây sâm Ngọc Linh đang vào mùa cao điểm thu hoạch lá, hạt, củ… do đó, số lượng sâm được tiểu thương và bà con đem đến phiên chợ khá nhiều.
Theo ước tính ban đầu của Ban tổ chức phiên chợ, có gần 100 kg sâm Ngọc Linh tươi được chào bán tại đây. Giá các loại lá sâm Ngọc Linh dao động từ 10-12 triệu đồng/kg; hoa sâm từ 15-17 triệu đồng/kg, hạt sâm từ 80 - 100 triệu đồng/1.000 hạt; sâm tươi có giá từ 65 - 220 triệu đồng/kg tùy theo loại.
Ngoài sâm Ngọc Linh, phiên chợ còn bày bán hàng nông sản, dược liệu đặc trưng của đồng bào thiểu số ở huyện miền núi cao Trà My tỉnh Quảng Nam và các mặt hàng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và hai tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum cũng tham gia.
Sản phẩm sâm Ngọc Linh trưng bày tại phiên chợ. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng để thoát nghèo.
Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với khoảng hơn 3 triệu cây trên tổng diện tích gần 810 ha dưới tán rừng. Giá trị thương mại của cây sâm Ngọc Linh dần ổn định nhờ các phiên chợ với sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Những chỉ số dược liệu quý từ sâm Ngọc Linh đã đưa giá trị kinh tế các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh tăng lên rất cao. Mỗi ha trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 - 50 tỷ đồng. Cây sâm Ngọc Linh đã trở thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại vùng trồng sâm…