|
  • :
  • :

Festival và câu chuyện chuỗi giá trị con tôm 

Tại “Hội thảo xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm” do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức mới đây, trong khuôn khổ Festival tôm Cà Mau, hầu hết các ý kiến tham luận đều cho rằng đây là xu thế tất yếu nhưng để thực hiện thành công cần sớm tháo gỡ các nút thắt có liên quan mà trọng tâm là lợi ích và niềm tin.

Số lượng thấp, quy mô nhỏ

ĐBSCL là thủ phủ nuôi tôm của cả nước, với diện tích nuôi tôm năm 2023 khoảng 700.000ha, sản lượng 700.000 tấn, chiếm 90% diện tích và 95% sản lượng tôm cả nước. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, qua thực tế triển khai liên kết chuỗi trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho thấy là không hề dễ dàng, kết quả thực hiện còn rất khiêm tốn, mà một trong những nguyên nhân là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chiếm tỷ lệ lớn và hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nuôi, nhất là thủy lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ. Ông Sử chia sẻ: “Hiện tỷ lệ hộ nuôi tôm trong tỉnh tham gia chuỗi liên kết giá trị ngành hàng tôm còn rất thấp và đa số các chuỗi liên kết còn ở quy mô nhỏ, năng lực của các chủ thể trong liên kết chưa thực sự mạnh, nhất là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác... nên chỉ khi nào những khó khăn, tồn tại trên được giải quyết thấu đáo thì chúng ta mới có lời giải hiệu quả cho liên kết chuỗi ngành hàng tôm như mong muốn”.

Các trang trại nuôi tôm lớn là nơi thực hiện liên kết chuỗi một cách thực chất và hiệu quả. Ảnh: Thu hoạch tôm tại trại nuôi ở TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Đồng tình với yếu kém của chủ thể HTX trong liên kết chuỗi, ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu, kiêm Giám đốc HTX nuôi tôm công nghệ cao, cho rằng, hiện các HTX có hội viên trẻ sẽ có nhiều lợi thế trong việc nắm bắt thông tin, hay tiếp cận giới thiệu sản phẩm một cách nhanh chóng nhờ khả năng sử dụng công nghệ thông tin. Ngược lại, các HTX có lãnh đạo và nhiều hội viên lớn tuổi sẽ bị hạn chế hơn về vấn đề này. Một yếu kém quan trọng khác của HTX cũng được ông Nhiệm chỉ rõ là các HTX tuy có vốn điều lệ, nhưng không có góp vốn thực tế, nên hầu hết các HTX đều gặp khó trong việc đầu tư nâng cấp mô hình hay hợp đồng mua đầu vào với giá rẻ hơn. Do đó, theo ông Nhiệm, lãnh đạo các tỉnh nên mạnh dạn hỗ trợ HTX thí điểm xây dựng chuỗi liên kết mà ở đó, hội viên được tiếp cận tín dụng để trực tiếp chọn mua con giống, thức ăn… tại công ty mà họ tin tưởng.

Liên quan đến tồn tại trong thực hiện liên kết chuỗi có tính đặc thù của Cà Mau là tôm - lúa, tôm - rừng, ông Ngô Tiến Chương, cán bộ cao cấp của Tổ chức GIZ, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến chuỗi giá trị tôm - lúa chưa thể phát huy hết tiềm năng, là do biến động các chỉ tiêu môi trường nước, chất lượng môi trường kém. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực trạng chất lượng đầu vào như giống, phân bón, vi sinh… chưa được kiểm soát tốt, các tiến bộ khoa học công nghệ chưa được ứng dụng rộng rãi vào mô hình… dẫn đến sản lượng thấp, tỷ lệ sống tôm nuôi thấp và nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp. Cũng theo ông Chương, Cà Mau và các tỉnh ven biển ĐBSCL có thể tận dụng diện tích vùng nhiễm mặn đang mở rộng, do tác động của hạn mặn để chuyển đổi thêm một triệu héc-ta đến 2030 ở các vùng giao thoa.

Lời giải hiệu quả là lòng tin

Đồng tình với nhận định liên kết chuỗi còn nhiều vấn đề khó cần tháo gỡ, nhưng theo TS. Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện các bên vẫn chưa hiểu rõ bản chất vấn đề về liên kết chuỗi là phải hoàn toàn tự nguyện, cùng ngồi vào bàn bạc một cách công khai minh bạch, cùng chia sẻ để biết rủi ro ở đâu để tránh và đặc biệt là phải thật sự tin tưởng nhau thì mới thực hiện được. Cục trưởng Trần Đình Luân thẳng thắn chỉ rõ: “Hiện tại, toàn bộ chuỗi, chưa ai tin ai, ai cũng đòi quyền lợi cho mình, ngay cả người quản lý cũng kể khó, kể khổ mà chưa ai hiểu rõ bản chất vấn đề, nên chưa thể ngồi cùng với nhau để hợp tác. Vì vậy, các bên phải cùng ngồi với nhau để làm, phải có cán bộ khuyến nông, cán bộ thủy sản cùng tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Tất cả đều phải trên tinh thần cầu thị, mình không làm được thì mình phải học người đã làm được. Mọi người cùng đồng lòng thì chúng ta sẽ có cách. Chúng ta làm liên kết chuỗi theo phương châm “đối nhân, không đối vốn” cùng với thông điệp “lòng tin với nhau” thì mới thực hiện thành công được”.

Trao đổi với người viết về chủ đề trên, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, khẳng định liên kết chuỗi giá trị ngành hàng tôm được xem là hướng đi phù hợp nhất trong bối cảnh cạnh tranh ngày một gay gắt như hiện nay. Ông Lực cho biết: “Trong lĩnh vực con tôm, thực tế cho thấy các chuỗi liên kết rất phong phú. Ngay cả các lý thuyết cũng chưa mường tượng, thậm chí là chưa có sự đúc kết, rút kinh nghiệm những gì đã và đang xảy ra trong 5 năm (từ năm 2018 đến nay) qua việc hình thành các chuỗi liên kết, mặc dù sản lượng tôm nuôi tăng trưởng các năm qua đều có sự đóng góp hết sức to lớn từ các chuỗi liên kết này”. Riêng vấn đề liên kết chuỗi tại Sao Ta, ông Lực chia sẻ: “Với sự phong phú của chuỗi liên kết như tôi vừa nói, nên Sao Ta chọn hướng đi riêng trên nền tảng tầm nhìn, khả năng của mình. Đó là tập trung phát triển vùng nuôi riêng để tự chủ từ 30% nhu cầu nguyên liệu, còn lại là sự phối hợp với các hệ thống nhà cung ứng. Các nhà cung ứng của Sao Ta thì đều có chân trong chuỗi liên kết đa dạng nêu trên”.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/festival-va-cau-chuyen-chuoi-gia-tri-con-tom-a168522.html