|
  • :
  • :

Đưa món ngon thuần Việt đi xa 

Nấu món ăn thuần Việt mang hương vị quê nhà đi xa từng là thách thức quá khó với đầu bếp Việt. Nhưng nay phở Bắc, bún bò Huế, hủ tíu, cá kho tộ, canh chua, lẩu mắm… chỉ cần nước đun sôi dễ đến mọi nhà.

Một sớm mai đầu ngày, dù mấy bà chị nội trợ bận rộn đến mấy cũng có thể khéo léo, chu tất cho bữa điểm tâm sáng các thành viên trong gia đình. Thực đơn tùy chọn nhiều món nên dễ dàng thay đổi mỗi ngày.

Ðể chọn món ăn sáng ưa thích, khâu nguyên liệu cần chuẩn bị sẵn sàng từ chiều hôm trước cho các loại thực phẩm như Bánh phở, bún, hủ tíu… Thịt chế biến sẵn gồm: heo, bò, gà, tôm… cùng với các loại rau, cà chua tương thích tùy theo mỗi món. Còn lại chuyện bếp núc sẽ trở nên đơn giản khi đã có gói sản phẩm “Nước cốt cô đặc Ông Mập” (do hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Phước sản xuất, địa chỉ 255/29 Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh) đầy đủ hương vị quê nhà.

Trên dải đất nông nghiệp trải rộng khắp theo chiều dài đất nước, sản vật phong phú, đa dạng, dồi dào đã hình thành lịch sử độc đáo trong văn hóa ẩm thực đa sắc màu. Ði qua đồng lúa chín bạt ngàn, sau gạo là hàng trăm sản phẩm chế biến trở thành đặc sản mang hương vị, sắc thái riêng biệt. Trên mỗi tất đất, hoa thơm, cỏ lạ, vườn rau, cây trái giàu dinh dưỡng ngon lành. Ðó là chưa kể hết nguồn cung thực phẩm dồi dào đạm từ đàn gia súc, gia cầm, cá, tôm, cua… từ các nông trại.

Nghĩ vậy, anh Phước (Nguyễn Hữu Phước) là dân gốc Sài Gòn, tự thuật sau khi cởi áo lính xuất ngũ, từ những ngày đầu chọn nghề làm đầu bếp một khu du lịch nổi tiếng ở Bình Dương. Hồi đầu thoạt nghe qua tưởng dễ, nhưng có chuyên sâu vào nghề mới thấy thật khó, vô cùng. Thật là khi chế biến ra món ăn ngon làm hài lòng khẩu vị thực khách giống như “làm dâu trăm họ”. Ban anh đầu thọ giáo từ ông thầy Bếp trưởng người Hoa - Chợ Lớn, anh được truyền thụ, cách giao hòa theo khẩu vị người Việt. Bởi mỗi món ăn Việt là một câu chuyện hàm chứa vị đời, lưu tồn theo tháng năm từ xa xưa.

Anh Phước giới thiệu sản phẩm nước cốt cô đặc Ông Mập. 

Ðến khi lành nghề, lên làm bếp trưởng nhiều năm, đi đó đây anh Phước học hỏi thêm, anh nhận ra sự độc đáo, khác biệt trong từng món ngon đặc sản theo vùng miền. Rồi lại lắng nghe thực khách, anh ấp ủ ý tưởng tìm cách chế biến, bảo quản để đưa được các món điểm tâm sáng ngon lành, chuẩn vị đến mọi nhà. Bởi trong thời buổi công nghiệp vội vàng ngày nay, nơi góc bếp của các bà chị nội trợ không có nhiều thời giờ nấu nướng cho bữa sáng đầu ngày. Anh không chọn làm fastfood như mấy món đóng gói mì ăn liền hay phở, bún, cháo, miến… Anh chọn cách làm khác, chế biến cô đặc giữ cho được nước cốt và bảo quản vị ngon cho từng món. Ðó là sự tinh tế nếu muốn chạm tới mức khó nhằn nhất trong việc phân định sự khác biệt cho mỗi món mùi vị đặc trưng khác nhau.

Qua nhiều năm mày mò, bền bỉ chế biến, thực hành cho bằng được, anh Phước tìm ra kết quả, xác lập “công thức” vị ngon. Anh kể: Vào những tháng cách ly phòng dịch COVID-19 là thời điểm anh kết thúc, hoàn thiện quy trình chế biến ra nhiều sản phẩm nước cốt cô đặc nhãn hiệu Ông Mập. Trong mỗi gói sản phẩm chứa đầy đủ thành phần nước cốt dinh dưỡng được hầm từ xương (heo - hủ tiếu, bò, hoặc gà, bò - phở) hay nước cốt từ cua (món bún riêu cua). Anh tạo mẫu, trực tiếp đến các hàng quán chào hàng sản phẩm đóng gói kín trong túi bạc 200 gram/gói, bán lẻ giá 42.000-45.000 đồng/gói. Trên bao bì có ghi rõ cách hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản, thời hạn sử dụng sản phẩm.

Ða dạng hóa sản phẩm theo phương châm “Có nước sôi là có bún bò, bún riêu, hủ tiếu Nam Vang hay bí quyết tạo nên hương vị phở gà, cá kho tộ, canh chua, lẩu gà nấu ớt hiểm, lẩu mắm…”. Anh Phước hướng dẫn: Sau khi chuẩn bị các thành phần thực phẩm chính cho món ăn đã chọn, cho vào nồi 2-2,5 hoặc 3 lít nước và hòa vào một gói nước cốt 200 gram, khuấy đều, đun sôi là đủ phân ra cho 5-6 tô đủ dùng cho bữa ăn sáng một gia đình.

Nhờ yếu tố tiện dụng, không mất nhiều thời gian, mỗi món giữ chuẩn vị nguyên chất mà không lạm dụng gia vị hay chất bảo quản… Nước cốt cô đặc Ông Mập đã đáp ứng yêu cầu người nội trợ bận rộn ở đô thị, người xa xứ nhớ quê. Tiến xa hơn một bước, anh Phước tăng trọng lượng “gói nước cốt” theo đơn đặt hàng từ các quán ăn, nhà hàng.

Ngày nay, công nghệ chế biến đã có thêm nhiều món ăn từ quê ra phố khoác áo mới. Thực phẩm an toàn được cách tân gia vị. Qua bàn tay tài hoa đầu bếp bày biện đẹp đẽ, bắt mắt, xứng tầm trên bàn ăn các nhà hàng sang trọng. Và cho dù sự sáng tạo, đổi thay đến mấy đi nữa thì cốt cách, mùi vị trong món ăn Việt vẫn phải chuẩn vị như bí quyết gia truyền không thể đổi thay.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/dua-mon-ngon-thuan-viet-di-xa-a168702.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin