|
  • :
  • :

Đưa dừa tươi sang thị trường Mỹ 

Trái dừa ở vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước cơ hội gia tăng giá trị khi vừa được Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đồng ý cho xuất khẩu sang thị trường này.

Nông dân Bến Tre trồng dừa hữu cơ phục vụ xuất khẩu.

Nông dân Bến Tre trồng dừa hữu cơ phục vụ xuất khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, phía APHIS vừa thông báo sau khi phân tích nội bộ để đánh giá mặt hàng dừa, kết quả cho thấy trái dừa sọ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ về sản phẩm chế biến và có rủi ro lây lan dịch hại thực vật không đáng kể. Vì vậy, APHIS cho rằng các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ. Trước đó, vào tháng 4-2023, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack, nhằm hoàn tất thủ tục và mở cửa thị trường cho bưởi chùm từ Mỹ vào Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Mỹ đẩy nhanh quá trình đánh giá, mở cửa đối với dừa và chanh leo của Việt Nam. Phía Mỹ yêu cầu Việt Nam phải xử lý dừa non tươi sau thu hoạch như loại bỏ những quả thối, rụng, gọt bỏ toàn bộ phần vỏ xanh và ít nhất 75% phần xơ dừa…

Trước thông tin dừa tươi được chính thức vào thị trường Mỹ làm cho nông dân trồng dừa ở ĐBSCL phấn khởi. Ông Ngô Hữu Sự, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Vạn Hưng (xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), bộc bạch: "Hiện nay giá dừa khô dao động khoảng 60.000-70.000 đồng/chục (12 trái) đảm bảo cho nông dân có lãi; tuy nhiên giá thường thay đổi theo thị trường tiêu thụ. Do đó, để phát triển bền vững nghề trồng dừa, mấy năm nay HTX tích cực hỗ trợ các xã viên chuyển đổi sang dừa hữu cơ được hơn 300ha, có hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp. Trồng dừa hữu cơ tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn, không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán cao hơn 15-20% so với dừa trồng bên ngoài. Về cơ bản dừa hữu cơ có thể xuất khẩu đi các nước, vì vậy HTX đang tích cực xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… Ngoài ra, gấp rút mở rộng thêm khoảng 100ha dừa hữu cơ nhằm cung ứng sản phẩm cho các đơn vị xuất vào thị trường Mỹ trong thời gian tới". Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh có gần 26.000ha dừa, trong đó dừa hữu cơ là hơn 5.000ha, tập trung ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè… với nhiều diện tích được công nhận tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Bến Tre nơi có diện tích dừa lớn nhất cả nước với hơn 77.000ha. Những năm gần đây, Bến Tre tập trung xây dựng vùng nguyên liệu dừa bền vững bằng cách phát triển chuỗi giá trị nhằm tăng lợi nhuận, thu nhập cho nông dân. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho hay, đến nay tỉnh đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung, trong đó 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 1 vùng sản xuất dừa uống nước. Toàn tỉnh có 32 tổ hợp tác và 28 HTX tham gia liên kết với 9 doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản phẩm dừa. Từ những mô hình liên kết này mà hàng trăm cơ sở sơ chế dừa được hình thành, tạo việc làm cho nhiều người lao động tại địa phương...

Bà Nguyễn Thị Liền, thành viên HTX nông nghiệp Thới Thạnh (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), tâm sự: "Mấy năm qua, gia đình tôi canh tác dừa đạt chuẩn hữu cơ với diện tích 1,7ha. Toàn bộ sản lượng dừa khô đều được HTX đến tận vườn thu hoạch rồi cung ứng cho doanh nghiệp với giá cao hơn thị trường nên nông dân rất an tâm. Nhờ vậy mà mỗi năm gia đình có thu nhập khoảng 130 triệu đồng từ vườn dừa hữu cơ. Tới đây, khi trái dừa được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ, kỳ vọng giá sẽ cao hơn, góp phần tăng thu nhập cho người trồng dừa…". Ông Trần Quốc Ửng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Thới Thạnh, cho biết: "Hiện HTX có gần 160ha dừa hữu cơ với 85 thành viên. Năm 2022, doanh thu của HTX đạt hơn 11 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận của nông dân canh tác dừa hữu cơ cao hơn so với hộ sản xuất theo truyền thống khoảng 12 triệu đồng/ha/năm. HTX cũng đang chuẩn bị các khâu cần thiết để xây dựng lại một số vườn dừa theo các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ…". Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2023, Bến Tre phát triển thêm 554ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ lên 17.846ha; trong đó có nhiều diện tích đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, tỉnh xác định xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị dừa là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, thời gian qua tỉnh tập trung vào liên kết, sản xuất hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng... Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác, HTX dừa; từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ, giúp người trồng dừa tăng thu nhập và bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT khẳng định, ngành dừa Việt Nam có vị trí quan trọng trên thế giới. Với diện tích trên 188.000ha, cây dừa đang là nguồn thu nhập của khoảng 389.530 hộ nông dân, đồng thời tạo ra giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa trên 900 triệu USD trong năm 2022; đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa của thế giới. Hiện cả nước có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, tạo việc làm cho hơn 15.000 lao động. Trong số này có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa. Mục tiêu phấn đấu của năm 2023, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt khoảng 1 tỉ USD…

Nguồn: https://baocantho.com.vn/dua-dua-tuoi-sang-thi-truong-my-a163810.html