Làm đất chuẩn bị xuống giống rau cải ở Hợp tác xã rau quả Long Thuận, thị xã Gò Công (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Ước tính, trong 9 tháng qua, toàn vùng đã trồng được gần 3.000 ha rau màu thực phẩm các loại. Với năng suất bình quân trên 20 tấn/ha, sản lượng rau màu cung ứng cho thị trường trên 58.000 tấn gồm nhiều chủng loại: rau ăn lá, bầu, bí, mướp, dưa hấu…
Đặc biệt, các xã nằm ven Đồng Tháp Mười như: Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B (Cái Bè); Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc (Cai Lậy)…nhiều năm nay phát triển và nhân rộng mô hình luân vụ dưa hấu trên chân ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với mô hình trồng 1 vụ dưa hấu xen 2 vụ lúa/năm, nông dân không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra cơ cấu canh tác phù hợp, cụ thể hóa chủ trương "chung sống với lũ" vừa góp phần cải tạo đất, hạn chế mầm bệnh ở những vùng đê bao khép kín sản xuất 3 vụ lúa/năm. Đây được xem là một mô hình phù hợp, tối ưu ở các địa bàn thuần nông giáp Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) Mai Văn Phục cho biết, do nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, thường xuyên đối mặt lũ lụt từ thượng nguồn tràn về gây không ít thiệt hại cho sản xuất và đời sống nên địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng "chung sống với lũ" mang lại hiệu quả cao như: trồng màu, nuôi thủy sản…
Trong đó, nông dân quan tâm đưa cây dưa hấu xuống trồng trên chân ruộng theo mô hình lúa + dưa ưu việt hơn hẳn độc canh lúa 3 vụ/năm trước đây. Trong hai vụ Xuân Hè và Hè Thu vừa qua, nông dân Mỹ Thành Bắc đã trồng được khoảng 40 ha dưa hấu, sản lượng thu hoạch trên 800 tấn. Năm nay, dưa hấu có giá, thương lái thu mua từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/kg tùy thời điểm. Trồng dưa hấu lãi gấp 2, 3 lần trồng lúa nên nông dân rất phấn khởi.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nếu so với cây lúa năng suất cao thì trồng màu tại các địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ lụt đầu nguồn cho nông dân thu lợi nhuận từ 41,8 triệu đồng đến trên 82 triệu đồng/ha tùy theo loại rau màu, cao gấp 1,7 lần đến 3,3 lần so trồng lúa.
Huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền của tỉnh Tiền Giang thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ lụt gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè Đặng Văn Tung, trong các năm qua, cụ thể hóa chủ trương "chung sống với lũ", giảm nhẹ thiên tai, Cái Bè đi tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất theo hướng đưa cây màu xuống chân ruộng, tạo cơ cấu sản xuất phù hợp, hiệu quả.
Trong 9 tháng của năm 2023, toàn huyện Cái Bè trồng được khoảng 2.050 ha rau màu các loại, cao nhất so với các huyện, thị đầu nguồn tỉnh Tiền Giang; sản lượng thu hoạch ước tính trên 40.000 tấn sản phẩm.
Chỉ tính riêng trong vụ Xuân Hè 2023, nông dân huyện Cái Bè đã xuống giống 136 ha dưa hấu, chủ yếu tập trung ở các xã: Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Phú, Hậu Mỹ Trinh, Hậu Thành và Mỹ Hội.
Theo nhiều nông dân chuyên trồng dưa hấu, năm nay, dưa hấu Cái Bè trúng mùa, trúng giá. Trà dưa hấu đạt năng suất đến 28 tấn/ha, thương lái đến tận ruộng mua dưa hấu với giá dao động từ 5.000 - 8.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà con thu lãi từ 80 triệu đồng/ha đến 100 triệu đồng/ha.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cai Lậy Nguyễn Thị Lạc cho biết, trong 9 tháng của năm 2023, toàn huyện trồng được gần 300 ha màu trên chân ruộng. Chủ lực gồm dưa hấu, dưa chuột, mướp đắng, các loại rau màu ăn lá khác.
Với năng suất 20 tấn/ha – 25 tấn/ha, dưa hấu có lúc giá bán 9.000 - 10.000 đồng/kg; các loại rau màu khác cũng có giá khá cao. Do vậy, trồng màu trên chân ruộng cho nông dân thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa độc canh. Bên cạnh đó, luân vụ lúa + màu hoặc chuyên canh màu trên ruộng còn giúp đất tái tạo độ phì nhiêu, giảm được nguy cơ sâu bệnh bùng phát gây hại cho cây trồng cùng những lợi ích to lớn khác.
Để giúp nông dân trồng màu đạt hiệu quả kinh tế cao, các địa phương tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, định hướng nông dân trồng màu theo ngưỡng an toàn, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng và mùa vụ…
Trong 9 tháng qua, các huyện đầu nguồn sông Tiền: Cai Lậy, Cái Bè đã tổ chức gần 150 cuộc tập huấn, tuyên truyền, khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp thu hút trên 4.000 lượt nông dân tham gia. Nhờ vậy, giúp bà con nâng cao trình độ canh tác, chuyển đổi sản xuất "chung sống với lũ" theo mô hình lúa + màu hoặc chuyên canh màu trên ruộng mang lại thành công mỹ mãn.