Đồng Tháp có hơn 20 doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gạo
Trong năm 2023, diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh Đồng Tháp dự kiến đạt 494.400ha, năng suất trung bình ước đạt 6,6 tấn/ha, sản lượng dự kiến đạt 3,26 triệu tấn; tăng 0,05 triệu tấn so với năm 2022. Đến nay, diện tích lúa gieo trồng khoảng 471.271ha (tương đương 95,32% kế hoạch), diện tích còn lại 23.129ha. Đến nay, diện tích đã thu hoạch khoảng 326.379ha (đạt 66% kế hoạch) với sản lượng lúa thu được khoảng 2 triệu tấn. Diện tích lúa còn lại 168.021ha (tương đương với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn) sẽ được thu hoạch từ nay đến cuối năm 2023.
Theo số liệu từ Sở Công Thương, hiện tại, toàn tỉnh có 20 DN kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, lượng gạo tồn kho của DN kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh gần 130.000 tấn (cập nhật đến ngày 25/7/2023). Mức tồn kho hiện tại đảm bảo mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó, theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Trong năm 2023, kế hoạch xuất khẩu gạo của Đồng Tháp dự kiến đạt 338.000 tấn, kim ngạch dự kiến đạt 232 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp ước đạt 273.007 tấn, kim ngạch ước đạt 156,95 triệu USD, tăng 49,96% về lượng và tăng 58,87% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, gạo xuất khẩu sang 29 thị trường, trong đó thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 90%, châu Đại Dương là 7%, còn lại là các châu lục khác. Giá gạo xuất khẩu tham khảo tại một số thị trường như: Singapore và Philipines khoảng 515 - 560 USD/tấn; thị trường EU khoảng 630 - 650 USD/tấn, thị trường Mỹ khoảng 1.000 - 1.050 USD/tấn...
Theo nhận định từ Sở Công Thương, trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao, dẫn đến việc thị trường xuất khẩu gạo của Đồng Tháp có nhiều thuận lợi, khi đơn hàng xuất khẩu lẫn giá bán tăng mạnh. Khi giá gạo thế giới tăng nhanh cũng thúc đẩy giá lúa gạo nguyên liệu trong nước tăng cao, điều này gây khó khăn về tài chính cho nhiều DN đã ký kết hợp đồng với đối tác trước đó.
Năm 2023, mặc dù lượng gạo và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo Đồng Tháp chủ yếu tập trung vào thị trường Châu Á (Philippines, Singapore...) chiếm hơn 90%, trong khi đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Châu Âu và các thị trường khác còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân, do nhiều DN xuất khẩu gạo của tỉnh chưa muốn thay đổi định hướng phân khúc thị trường, vẫn hướng đến các thị trường truyền thống như: Phillipines, Singapore...; chưa chủ động tiếp cận các thị trường khó tính như Mỹ, EU...
Trước tình hình đó, Sở Công Thương có nhiều văn bản đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Đồng Tháp tham gia các sự kiện kết nối thị trường châu Âu, đặc biệt là mặt hàng gạo để DN có cơ hội tiếp cận thị trường này nhằm khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phía Trung Quốc bổ sung danh sách DN được xuất khẩu gạo vào thị trường này, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh.
Cùng với đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp hỗ trợ DN xây dựng vùng nguyên liệu, tiếp tục phát triển các giống lúa chất lượng cao phù hợp với thị hiếu của thị trường. Đồng thời có nhiều hoạt động tuyên truyền để nông dân, hợp tác xã và DN hiểu thêm về ý nghĩa của liên kết tiêu thụ để hoạt động sản xuất - xuất khẩu lúa gạo phát triển bền vững, ổn định và mang lại lợi ích cho các bên tham gia...