|
  • :
  • :

Đồng Tháp Mười: Khóm được giá, nông dân vui mừng phấn khởi

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, tính đến ngày 13/2, nông dân địa phương đã thu hoạch được gần 27.500 tấn dứa (khóm), trên 3.400 tấn trái cây các loại khác cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nông sản chủ lực Đồng Tháp Mười được giá - Ảnh 1.

Dứa có giá khoảng 6.500 đến 7.000 đồng/kg. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Đáng mừng là các loại nông sản chủ lực như dứa, thanh long, mít Thái siêu sớm… thời điểm sau Tết Nguyên đán vẫn giữ mức giá khá cao, nông dân phấn khởi, an tâm đẩy mạnh thâm canh giành những vụ bội thu.

Trên thị trường, dứa có giá khoảng 6.500 đến 7.000 đồng/kg tùy theo thời điểm trong khi thanh long, mít Thái siêu sớm đồng loạt tăng giá gấp đôi so với trước Tết. Cụ thể, giá thanh long ruột đỏ từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, mít Thái siêu sớm loại I từ 28.000 đến 30.000 đồng/kg…

Nông dân Đặng Văn Thích, canh tác gần 10 ha dứa tại xã Thạnh Hòa (Tân Phước) cho biết, dứa cho năng suất bình quân 20 tấn/ha, mỗi năm đạt sản lượng từ 180 đến 200 tấn quả. Nếu tính giá bình quân 6.000 đến 6.500 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lãi ròng từ 700 đến 800 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn lợi từ cây dứa, sau dăm năm vào khai hoang sản xuất trên miền đất mới Đồng Tháp Mười (Tiền Giang), ông Đặng Văn Thích đã dựng nên cơ nghiệp vững vàng.

Nông sản chủ lực Đồng Tháp Mười được giá - Ảnh 2.

Phân loại thanh long xuất khẩu tại huyện Chợ Gạo. Ảnh minh họa: Minh Trí/TTXVN

Còn ông Võ Văn Dũng, cư ngụ tại xã Thạnh Hòa, Tân Phước chọn mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười. Gia đình canh tác 1,3 ha thanh long ruột đỏ. Trung bình mỗi năm, ông Dũng thu hoạch 8 đợt, mỗi đợt từ 4 đến 5 tấn quả. Giá bán trong năm từ 10.000 đến 35.000 đồng/kg, tùy thời điểm, trừ chi phí, còn lãi mỗi năm trên 900 triệu đồng. Giá thanh long ruột đỏ sau Tết tăng mạnh trở lại hứa hẹn bà con vùng chuyên canh bội thu trong năm 2023 - ông Dũng nhận xét.

Những mô hình sản xuất hiệu quả như trồng dứa, trồng thanh long ruột đỏ… đang được nông dân vùng Đồng Tháp Mười ứng dụng rộng rãi để làm giàu. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước Huỳnh Văn Bườn, sau gần 30 năm thành lập huyện Tân Phước (1994 – 2023), Tân Phước đã trở thành một trong những vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn với những thương hiệu nổi tiếng: dứa, thanh long, lúa năng suất cao, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khác.

Trong số đó, Tân Phước định hình vùng trồng dứa chuyên canh trên 15.000 ha, trên 2.500 ha ha cây ăn quả, chủ lực là thanh long, mít Thái siêu sớm, bơ, cây có múi, xoài, chanh... trên đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười.

Nông sản chủ lực Đồng Tháp Mười được giá - Ảnh 3.

Thu hoạch mít Thái tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp nông dân vùng đất mới sớm ổn định sản xuất và đời sống, địa phương quan tâm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Đồng thời, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường gắn với tổ chức lại sản xuất, liên kết tiêu thụ theo mô hình chuỗi giá trị. Từ đó, mở hướng giải quyết ổn định đầu vào và đầu ra nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập, giúp nông dân làm giàu và nông nghiệp, nông thôn đổi mới.

Tùy theo địa bàn, huyện định hình những vùng sản xuất chuyên canh phù hợp, cho sản lượng nông sản hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. Vùng chuyên canh khóm (dứa) tập trung tại các xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Tân Hòa Đông… Vùng trồng thanh long quy hoạch tại các xã Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Tân Lập I, Tân Lập II,..

Hiện nay, để giúp các vùng chuyên canh phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, địa phương phát triển mạng lưới sản xuất và cung ứng giống chất lượng, khả năng đáp ứng mỗi năm khoảng 1 triệu cây giống chất lượng cho nhu cầu trồng trọt của nông dân. Mặt khác, đầu tư hoàn thiện 134 ô đê bao phòng chống lũ lụt và triều cường có tổng chiều dài các tuyến đê bao 743 km bảo vệ sản xuất, đời sống.

Thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, 100% diện tích vùng trồng dứa chuyên canh, 60% diện tích thanh long áp dụng kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ và các biện pháp tiên tiến khác giúp nâng cao chất lượng nông sản, chủ động mùa vụ thu hoạch, tránh tình trạng được mùa, mất giá.

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/dong-thap-muoi-khom-duoc-gia-nong-dan-vui-mung-phan-khoi-20230214105933791.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin