Anh Võ Thành Hiệp ở ấp Tân Thuận A chăm sóc hoa giấy. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Theo Ủy ban nhân dân huyện Lai Vung, ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B, xã Tân Dương là vùng tập trung trồng hoa kiểng, có điều kiện để phát triển kinh tế của địa phương. Đa số người dân sống trên địa bàn đều trồng hoa kiểng, phổ biến nhất là trồng hoa giấy. Hằng năm, địa phương sản xuất hàng triệu sản phẩm, cung ứng cho thị trường trong cả nước, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nghề trồng hoa giấy ở địa phương đã có từ nhiều năm. Đến năm 2019, xã Tân Dương được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn được hoàn thiện. Các tuyến đường được xây dựng thông thoáng, làng hoa giấy được nhiều người biết đến hơn bởi vẻ đẹp rực rỡ, nhiều màu sắc, tạo nên dấu ấn riêng biệt.
Hoa giấy được trồng bằng phương pháp giâm cành. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Các loại sản phẩm chủ yếu của Làng nghề hoa giấy như: hoa giấy ghép ngũ sắc, hoa giấy cẩm thạch nhiều màu, hoa giấy nhập khẩu từ các nước, hoa giấy phục vụ trang trí và công trình đủ kích thước. Số lượng sản phẩm của làng nghề đã tạo ra khoảng 20 - 25 triệu chậu hoa giấy/năm.
Giá bán bình quân của các sản phẩm dao động từ 50.000 - 500.000 đồng/sản phẩm. Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm làng nghề là các khu đô thị trong nước. Thu nhập bình quân của 1 hộ làm nghề khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của người lao động tham gia làm nghề khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Vườn hoa giấy của anh Võ Thành Hiệp ở ấp Tân Thuận A. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Chị Huỳnh Thị Mừng, xã Tân Dương trồng 1,6 ha chuyên về bông giấy, một năm thu về hàng tỷ đồng. Mỗi ngày, chị có nhu cầu sử dụng hàng chục lao động đã góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Chị cho biết, bông giấy có rất nhiều loại, đa dạng về màu sắc của hoa, của lá đặc biệt là trổ hoa quanh năm, do đó được nhiều người ưa chuộng trồng trong sân vườn nhà để tô điểm cho cảnh quan được được sang trọng và rực rỡ, ngoài ra bông giấy dùng để trồng hàng rào, dãy phân cách ven đường... Do đó, bông giấy được tiêu thụ rất đa dạng như là cây công trình, kiểng bon sai, hoa...
Về thị hiếu, chị Mừng cho biết, người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao, ban đầu là giống bông giấy cao bồi có màu hồng xen màu trắng, rồi đến bông giấy màu đỏ, màu cam,vàng... Đến khi có bông giấy Mỹ người ta trồng nó để lấy gốc trên ghép giống là cẩm thạch màu tím, màu gạch, màu đỏ, màu trắng… nên thị trường tiêu thụ rất rộng.
Hoa giấy ghép sẽ cho ra hoa có nhiều màu sắc. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Ông Lê Tấn Lực ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung có gần 20 năm trồng hoa. Ông chọn trồng hoa giấy bởi màu sắc hoa rực rỡ, không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc quá cao và có thể bán quanh năm. Ông cùng nhiều hộ trồng hoa ở làng hoa đã nâng tầm cây hoa giấy bằng cách ghép cành để cho ra những cây hoa giấy đa sắc thu hút nhiều đối tượng khách hàng. Ông Lực cho biết, một cây hoa giấy đa sắc sẽ có giá cao gấp 3- 10 lần so với cây đơn sắc cùng kích cỡ. Cây ghép được càng nhiều màu hoa thì giá trị sẽ càng cao .
Ngoài việc ghép hoa giấy trên các gốc nhỏ phục vụ công trình có giá chỉ vài trăm nghìn đồng/cây, ông Lực còn tiến hành ghép hoa giấy đa sắc trên những cây hoa giấy gốc to có thế dáng đẹp với tuổi đời từ 10- 40 năm tuổi. Hoa giấy nở liên tục, màu sắc rực rỡ nên càng được ưa khách hàng ưa chuộng; đối tượng khách hàng tìm mua hoa giấy cũng đa dạng hơn. Người tìm mua hoa giấy không chỉ để trồng phục vụ công trình hay trồng trên các tuyến đường mà còn để chơi kiểng, trang trí không gian sống.
Vườn hoa giấy của anh Võ Thành Hiệp ở ấp Tân Thuận A. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Hoa giấy ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung được công nhận làng nghề, có nguồn thu nhập thường xuyên và giải quyết được việc làm cho gần ngàn lao động người dân nơi đây. Theo ông Võ Văn Cường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Dương cho biết, cây hoa giấy phát triển ở xã góp phần giữ nét văn hóa nơi đây. Xã thực hiện các công trình cổng chào từ cây hoa giấy, khuyến khích hộ dân sản xuất hoa giấy không chỉ bán mà còn phát triển nơi đây là điểm du lịch thu hút du khách.