|
  • :
  • :

Đồng lòng phát triển kinh tế gia đình 

Một ngày lao động của gia đình anh Phạm Tấn Phong và chị Võ Thị Nhung ở khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, bắt đầu từ 4 giờ sáng, để chuẩn bị nguyên liệu dùng chế biến các món điểm tâm phục vụ thực khách. Mỗi người mỗi việc, cả nhà đồng lòng phát triển kinh tế gia đình.

Vợ chồng chị Nhung vui vẻ bán hàng, phục vụ thực khách.

Những ngày cuối năm, gia đình anh Phong, chị Nhung phấn khởi khi được chi hội phụ nữ giới thiệu tăng vốn vay ưu đãi lên 70 triệu đồng để sắm sửa các vật dụng cần thiết, trang hoàng hàng quán, phục vụ thực khách gần xa. Vợ chồng anh chị đang cân nhắc, tính toán việc mở thêm quán giải khát trước sân nhà dịp Tết Giáp Thìn 2024, vừa tăng thu nhập vừa mở hướng phát triển kinh tế gia đình bền vững, lâu dài.

Cùng cảnh gia đình khó khăn, đông anh chị em, sớm nghỉ học, làm mướn mưu sinh, anh chị yêu thương “về chung một nhà”, sinh 2 người con. Vốn siêng năng, chí thú làm ăn, vợ chồng anh Phong bàn bạc, mướn đất trồng cam sành. Cam thu hoạch ổn định được vài năm lại lâm cảnh được mùa rớt giá. Sau khi được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, vợ chồng anh Phong tiếp tục “thử vận” với nghề thu mua phế liệu. Hằng ngày, vợ chồng anh Phong giong xe khắp nơi thu mua và bán vật dụng phế thải cho vựa, kiếm sống hằng ngày. Về sau, khi có nhiều mối, cả hai mướn mặt bằng kinh doanh vựa phế liệu, mở rộng giao dịch. Công việc thuận lợi, trôi chảy, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Chị Nhung bộc bạch: “Vợ chồng tôi tích cóp, cất được căn nhà tươm tất, đồng thời chăm lo các con học hành đến nơi đến chốn”. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài, việc mua bán gián đoạn, kinh tế gia đình lâm cảnh khó khăn. Không nản chí, vợ chồng anh chị tìm phương kế mưu sinh “làm lại từ đầu”.

Ðầu năm 2022, chị Nhung được người bạn gợi ý giúp mở quán bán điểm tâm để có thu nhập, trang trải cuộc sống. Chị Nhung thoáng băn khoăn, chị tuy khéo nấu các món ăn nhưng chưa nghĩ đến việc chế biến phục vụ thực khách. Ðược chồng con động viên, chị Nhung cất công đến nhà người bạn học cách chế biến món bún xào, bánh ướt và cả việc tính toán sao cho có lợi nhuận phù hợp, vừa đảm bảo chất lượng món ăn, nhất là chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như thái độ ứng xử, giao tiếp vui vẻ, chu đáo “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Mượn sân nhà người bà con, anh chị bắt tay khởi nghiệp. Thời gian đầu, thực khách chủ yếu là bà con khu vực, bạn bè ủng hộ, giới thiệu mối mang, thu nhập đủ chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Dần dà, nhiều người biết tiếng món ăn “ngon, bổ, rẻ” nên lượng khách ngày thêm đông. Chị Nhung nói: “Tôi bán đến tầm 9 giờ, rồi dọn dẹp, nghỉ ngơi. Ðến chiều, tôi bắt đầu chuẩn bị sẵn mọi thứ cho buổi sáng mai. Hai con tôi dậy sớm, phụ tiếp dọn hàng, rồi mới đi làm. Giờ kinh tế gia đình đã ổn định, ai cũng có việc làm, thu nhập nên phấn khởi lắm”.

Chị Thạch Thị Tuyết Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Thạnh Mỹ, cho biết: “Vợ chồng anh Phong siêng năng, chịu khó làm ăn nên được bà con thương mến, ủng hộ. Thành quả hôm nay của gia đình anh chị hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực, phấn đấu phát triển kinh tế, hướng đến tương lai tươi sáng”.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/dong-long-phat-trien-kinh-te-gia-dinh-a168998.html