Sản phẩm đĩa hình trái tim và hình tam giác được anh Tuyến ép từ lá cây nho biển. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN
Nho biển thuộc dòng thân gỗ, rễ cọc, nhiều tán có tên khoa học là “Coccoloba uvifera”. Cây nho biển còn được người dân địa phương gọi là cây tra. Loại cây này được trồng nhiều ở quần đảo Hoàng Sa và ven biển các tỉnh miền Trung. Tại Phú Yên, cây nho biển được trồng ở hàng chục tuyến đường, nhiều nhất là đường Độc Lập, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Duẩn, Trường Chinh và dọc công viên biển thành phố Tuy Hòa. Một chiếc lá nho biển đẹp được anh Nguyễn Văn Tuyến thu mua với giá 200 đồng để tạo hình thành những chiếc đĩa.
Tốt nghiệp Kỹ sư Kinh tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù công việc khá bận rộn, anh Tuyến vẫn dành thời gian đi nhiều nơi tìm kiếm, thử nghiệm chế tạo vật liệu thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Năm 2020, anh Tuyến được nhiều người biết đến khi sáng tạo chén, đĩa, muỗng từ mo cau tại Quảng Ngãi. Tiếp nối thành công ban đầu, tại quê hương Phú Yên, anh Tuyến thử sức với nhiều loại lá chuối, lá sen, mo tre để làm đĩa, khay và đã thành công với lá nho biển.
Anh Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ, đầu năm 2021, khi đi qua một số làng biển ở Phú Yên, anh thấy lá cây nho biển rất dày, có nhiều đường gân đẹp. Anh đã đưa lá nho biển từ Phú Yên ra Quảng Ngãi để ép thử, cho ra sản phẩm có màu sắc đẹp mắt. Với nguồn vốn 120 triệu đồng, anh Tuyến mua dàn máy ép thủy lực, xây dựng bồn nước rửa lá, mở rộng xưởng sản xuất tại xã Hòa Xuân Đông, thị xã Đông Hòa, Phú Yên. Lá nho biển sau khi thu mua của người dân được đem phơi nắng, sau đó vệ sinh bằng nước sạch, lau khô rồi đưa vào khuôn ép. Chỉ mất hơn 30 giây là hoàn thành một chiếc đĩa bằng lá theo hình trái tim hoặc hình tam giác. Mỗi chiếc đĩa đang được bán ra thị trường với giá 2.000 đồng, sử dụng được 10 lần thay đồ nhựa sử dụng một lần đang được nhiều nhà hàng, khách sạn, đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành đặt mua.
“7.000 chiếc đĩa làm bằng lá nho biển đã xuất khẩu sang Ba Lan, được giới thiệu tại Singapore. Mới đây, sản phẩm còn được một số hãng hàng không trong nước đặt hàng sử dụng trên các chuyến bay. Tôi đang nghiên cứu để ép lá nho biển thành những chiếc chén, đĩa vuông từ 12-15 cm, hoặc ghép hai lá để có sản phẩm to hơn và sử dụng được bền hơn”, anh Nguyễn Văn Tuyến cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, đĩa làm từ lá nho biển là sản phẩm mới, có ý nghĩa bảo vệ môi trường. Tại Phú Yên, cây nho biển được trồng rất nhiều. Vì vậy, đa dạng sản phẩm từ lá nho biển sẽ góp phần nhân rộng diện tích trồng loại cây đặc hữu này, vừa có tác dụng chắn gió, chắn cát và phòng, chống sạt lở, đồng thời giúp Phú Yên có thêm sản phẩm du lịch.
Phạm Cường