|
  • :
  • :

Điểm tin ngày 28/2: Xuất khẩu điều lập kỷ lục nhưng doanh nghiệp thua lỗ; Indonesia thiếu hụt gạo nghiêm trọng

Ngành điều: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng doanh nghiệp thua lỗ.

Vốn đã giảm nhiều trong những năm trước, giá điều nhân trong nước tiếp tục giảm xuống thấp trong năm 2023. Giá điều nhân của các nước sản xuất lớn khác như Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Brazil cũng giảm mạnh.

Chế biến hạt điều để phục vụ cho xuất khẩu tại một công ty ở Khánh Hòa - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ TP.HCM.

Sự tăng trưởng nóng của ngành chế biến điều Việt Nam đã dẫn đến tình trạng giành mua điều thô, tranh bán điều nhân. Từ đó, đẩy giá nhân điều đã giảm càng giảm sâu thêm.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp cho biết ngành chế biến điều Việt Nam hằng năm tiêu thụ hàng triệu tấn điều thô, tuy nhiên sản lượng điều thô của nước ta chỉ hơn 300.000 tấn, phần lớn phải nhập khẩu, khoảng 2,8 triệu tấn năm 2023, chủ yếu từ châu Phi và Campuchia.

Một số nước quy định giá xuất khẩu tối thiểu, áp thuế và nhiều loại phí đối với điều thô xuất khẩu khiến thời gian qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập điều thô với giá cao, trong khi giá điều nhân xuất khẩu lại giảm.

Giá vàng miếng neo quanh 79 triệu đồng

Ngày 27/2, mỗi lượng vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng chiều mua vào thêm 700.000 đồng lên 77,5 triệu đồng, chiều bán ra tăng 500.000 đồng lên 79,5 triệu. SJC nâng mạnh giá mua vào khiến biên độ mua bán được thu hẹp xuống 2 triệu đồng một lượng.

Tương tự, giá vàng miếng cũng được điều chỉnh tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI. Giá mua vào được nhà vàng nâng mạnh lên 77,45 triệu còn chiều bán ra 79,45 triệu đồng.

Tuy nhiên, bước sang đầu giờ chiều ngày 27/2, SJC lại giảm 600.000 đồng cả hai chiều so với buổi sáng, xuống 76,9 - 78,9 triệu đồng một lượng. DOJI điều chỉnh xuống 76,85 - 78,85 triệu đồng, xấp xỉ mức giá vào cuối ngày 26/2.

Xuất khẩu hàng hóa đầu năm tăng mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 1/2024 đạt 34,53 tỉ USD, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Tăng trưởng mạnh nhất là các nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,17 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng tăng 1,21 tỉ USD; dệt may tăng 877 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 667 triệu USD; giày dép các loại tăng 600 triệu USD...

Dệt may nằm trong nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng mạnh trong tháng 1/2024. Ảnh: Báo Phụ Nữ TP.HCM.

Các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ Việt Nam là Mỹ, châu Âu (EU), Trung Quốc… Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 10,05 tỉ USD, tăng 3,91 tỉ USD (tăng 64%) so với cùng kỳ 2023; EU đạt 4,6 tỉ USD, tăng 1,32 tỉ USD (tương đương 40%); Trung Quốc đạt 4,56 tỉ USD, tăng 714 triệu USD (tương đương 19%); ASEAN đạt 3,2 tỉ USD, tăng 1,02 tỉ USD (tương đương tăng 47%)...

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong tháng đầu năm 2024 đạt 30,9 tỉ USD, tăng 7,9 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều trong tháng 1/2024 gồm có Trung Quốc với kim ngạch nhập khẩu lên đến 11,88 tỉ USD, tăng 4,66 tỉ USD (tương đương 65% ), Hàn Quốc đạt 4,19 tỉ USD, tăng 285 triệu USD; ASEAN đạt 3,62 tỉ USD, tăng 609 triệu USD; Nhật Bản đạt 1,95 tỉ USD, tăng 275 triệu USD.

Ngân hàng lớn lần đầu tiên giảm lãi tiền gửi

Lãi suất ngân hàng ngày 27/2/2024 chứng kiến hai ngân hàng lần đầu tiên giảm lãi suất trong tháng 2 là VPBank và VietBank.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn tiền gửi. Đây là lần đầu tiên trong tháng 2 VPBank giảm lãi suất huy động sau khi đã có 3 lần điều chỉnh giảm trong tháng 1/2024.

Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến đối với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng vừa được nhà băng này công bố, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm, về mức 2,8%/năm. 

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng vừa trở thành ngân hàng tiếp theo giảm lãi suất huy động. Đây là lần đầu tiên trong tháng hai, nhà băng này điều chỉnh lãi suất sau khi trước đó đã có hai lần điều chỉnh giảm trong tháng 1/2024.

Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến vừa được VietBank cập nhật, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm từ 0,2 - 0,4 điểm phần trăm tại các kỳ hạn tiền gửi từ 1 - 11 tháng. Trong đó đáng chú ý lãi suất các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng đều được đưa về dưới 5%/năm.

Quyết liệt để vận hành đường dây 500kV đưa điện ra Bắc vào tháng 6/2024

Ngày 27/2, tại Hưng Yên, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tổ chức Lễ phát động thi đua Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).

Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và đoàn công tác tiến độ triển khai dự án. Ảnh: EVN.

Thông tin về tiến độ dự án, ông Phạm Lê Phú, Tổng Giám đốc EVNNPT, cho biết về tiến độ thi công, đến ngày 26/2, Dự án đang triển khai làm đường tạm thi công, đào, đúc móng 950/1.177 vị trí móng cột; hoàn thành đúc 99 móng cột; hoàn thành lắp dựng 1 cột thép và đang lắp dựng 11 cột thép.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng  Trần Lưu Quang nhìn nhận để đưa các dự án đường dây 500kV: Quảng Trạch - Quỳnh Lưu; Quỳnh Lưu - Thanh Hóa; Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa; Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối vào vận hành còn rất nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề và khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, trực tiếp là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, quyết liệt chỉ đạo cùng EVN tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách tốt nhất, nhanh nhất để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ công trình với mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả của Dự án.

Indonesia thiếu hụt gạo nghiêm trọng

Ngày 27/2, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan, cho biết Chính phủ Indonesia vừa quyết định tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt.

Trước đó, Bộ Thương mại Indonesia đã cấp giấy phép nhập khẩu gạo cho 2 triệu tấn nên năm 2024 nước này sẽ nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo. 

Trong vài ngày gần đây, giá gạo tại Indonesia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, hiện tượng gạo khan hiếm đã diễn ra tại một số siêu thị.  Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thấp hơn so với nhu cầu. Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do.

Giá bán gạo lẻ tại thị trường lên tới 80.000 Ru-pi (tương đương 5,17 USD/5kg, tức hơn 25.000 đồng/kg) so với mức giá trần chính phủ ấn định chỉ là 69.500 Ru-pi (4,45 USD/5kg)

Tác giả: DIỄM QUỲNH (Tổng hợp)
Nguồn: https://nongthonviet.com.vn/diem-tin-ngay-282-xuat-khau-dieu-lap-ky-luc-nhung-doanh-nghiep-thua-lo-xuat-khau-hang-hoa-dau-nam-tang-manh.ngn