Giải quyết việc làm, tăng thu nhập
Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn Ngày nay / Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, ông Điêu Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Than Uyên, Lai Châu cho biết: Huyện luôn xác định, phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là hướng đi tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đáp ứng một phần nhu cầu các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân; tạo việc làm cho người lao động, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Để đạt được những mục tiêu đó, chúng tôi đã và đang huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy mạnh phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Nhờ đó, những năm qua, việc phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành tạo sự liên kết, hỗ trợ sản xuất giữa các cơ sở; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.
Nhờ các chính sách hỗ trợ kinh phí để khuyến khích các cơ sở mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thị trường, nhiều tổ chức, cá nhân ở huyện Than Uyên đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn thành lập hợp tác xã, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc, thiết bị vào khai tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đông Linh ở khu 7B, thị trấn Than Uyên được thành lập năm 2019. Hiện nay, công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 8 đến 9 triệu đồng/tháng. Chia sẻ với chúng tôi, chị Vũ Thị Chắc, Công ty TNHH XD và TM Đông Linh, huyện Than Uyên, Lai Châu hồ hởi cho hay: Được tạo các điều kiện về hành lang pháp lý, các thủ tục hành chính công, hỗ trợ vay vốn và kinh phí mở rộng sản xuất, các cấp chính quyền ở địa phương đã hỗ trợ đắc lực, giảm bớt khó khăn trong sản xuất cho chúng tôi. Các chính sách và nguồn vốn đó đã giúp chúng tôi mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo thêm được việc làm và thu nhập cho người lao động.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo việc làm, tăng thu nhập
Trong những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Than Uyên đã đạt được giá trị sản lượng có chiều hướng tích cực, năm 2022 đạt trên 920 tỷ đồng. Tại huyện Than Uyên, Công ty TNHH Tuyền Phương đã đầu tư nhà máy chế biến chè tại xã Mường Kim và đưa vào sản xuất; Hợp tác xã Thanh Xuân đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến gạo tại xã Hua Nà. Sản lượng công nghiệp chủ yếu đến từ lĩnh vực sản xuất điện với 5 nhà máy…
Thực tế cho thấy, thời gian qua việc phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Than Uyên có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành tạo sự liên kết, hỗ trợ sản xuất giữa các cơ sở; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; có chính sách hỗ trợ kinh phí để khuyến khích các cơ sở mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thị trường; định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; vận động các cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để tập trung phát triển các sản phẩm có thế mạnh; đẩy nhanh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến và hình thành cơ sở sản xuất ngành nghề mới; tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động…
Nhờ các giải pháp đó, đã từng bước tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong phát triển công nghiệp của huyện là hạ tầng cơ sở cho ngành công nghiệp còn sơ khai, chưa tạo được thu hút đầu tư.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Điêu Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Than Uyên, Lai Châu cho biết: Để khắc phục những khó khăn trước mắt, nhằm đẩy mạnh phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện kêu gọi chủ đầu tư đẩy nhanh phát triển hạ tầng Cụm Công nghiệp Than Uyên tại xã Phúc Than, cải cách các thủ tục hành chính, tạo nền tảng để thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhằm tối ưu hóa sản xuất trên các vùng nguyên liệu chè, mắc ca, cao su, lúa…
"Chúng tôi sẽ chú trọng hơn việc tham mưu, đề xuất với huyện Than Uyên, HĐND tỉnh Lai Châu nhằm cụ thể thoá các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư và bố trí nguồn lực tập trung triển khai phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đối với các huyện, thành phố, từ đó tạo đà thu hút đầu tư, phát triển các vùng sản xuất tập trung, qua đó sẽ từng bước tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân", ông Dũng bày tỏ.