Hành trình thoát nghèo của nông dân người Mông Mùa A Tâu
Tận mắt chứng kiến những thành công của nông dân Mùa A Tâu, bản Bó Chạy, xã Chiềng Khoong (Sông Mã, Sơn La) mọi người không khỏi ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì anh một người Dân tộc Mông vốn không biết chữ lại có thể phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình trồng các loại cây ăn quả, loại cây đòi hỏi hiểu biết sâu về khoa học, kỹ thuật. Điều mà chưa có người Dân tộc Mông nào ở bản Bó Chạy, xã Chiềng Khoong dám nghĩ, dám làm.
Trở lại hành trình tìm kiếm còn đường tự thoát nghèo của nông dân Mùa A Tâu, bản Bó Chạy, xã Chiềng Khoong (Sông Mã, Sơn La). Cách đây 5 năm anh Tâu đã quyết tâm xuống núi, rời bản đi tìm mô hình phát triển kinh tế cho gia đình. Sau những hành trình, về nhà hằng đêm anh suy nghĩ lựa chọn mô hình phát triển kinh tế nào để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng như phải tận dụng những nguồn lực mà gia đình đang có. Sau những đêm trăn trở, bàn bạc với vợ anh quyết định chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả của gia đình sang trồng các loại cây ăn quả.
Để thực hiện thành công mục tiêu đó, nông dân Mùa A Tâu đi rất nhiều mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Sông Mã (Sơn La) để học tập, cuối cùng, anh hợp duyên với mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Lê Danh Phúc, bản C5, xã Chiềng Khoong (Sông Mã, Sơn La), nay ông là Phó giám đốc HTX Bảo Minh xã Chiềng Khoong.
Với bản chất là một người nông dân ham học hỏi, chịu khó tìm tòi, cùng với sự quyết tâm, anh Tâu rất nhanh nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả, như: nhãn, cam, mận hậu, bưởi da xanh, xoài, hồng...
Nói về anh Mùa A Tâu, ông Lê Danh Phúc, phó giám đốc HTX Bao Minh xã Chiềng Khoong (Sông Mã, Sơn La) cho biết: Mô hình của tôi một năm có rất nhiều người đến học hỏi. Nói chung Dân tộc gì cũng có: Thái, Buộc, Kinh, Mông... đều đến học hỏi. Nhưng mà để là người Mông đến học hỏi được như anh Tâu thì rất là hiếm, một cái kỹ thuật nho nhỏ thôi anh cũng hỏi, từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đến khi làm thế nào để cho cây ra hoa, ra quả đậu trái, trái ngon.
Vác trên vai cây giống và dụng cụ lao động, anh Tâu và người vợ của mình vượt dốc trồng những cây ăn quả đầu tiên thay thế cho cây ngô với quyết tâm nhất định phải thoát nghèo. Từ những mầm giống ban đầu, đến nay diện tích 8ha trồng ngô trước đây đã được gia đình anh Tâu chuyển sang trồng cây ăn quả và cho thu nhập ổn định. Với quy mô 1.500 cây cam; 1000 cây mận hậu; 1000 cây bưởi da xanh, 700 cây xoài, 200 cây hồng và 1ha trồng 250 cây nhãn cỏ cũng được anh Tâu cải tạo vào năm 2017. Từ năm 2018 đến nay, mùa nào thu hoạch quả ấy, tổng thu nhập mỗi năm của gia đình anh Tâu từ 200 - 300 triệu đồng.
Để có những thành quả như ngày hôm nay, anh Mùa A Tâu đã trải qua bao khó khăn thử thành mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Đầu tiên đó là vốn đầu tư, rồi khó khăn nhất đó là về kỹ thuật.... Thấy anh Tâu thành công, nhiều hộ trong bản Bó Chạy, rồi các bản lân cận cũng đến học hỏi để làm theo nhưng đều bỏ dở vì không kiên trì, không tâm huyết. Đến nay cả bản có 44 hộ thì chỉ có duy nhất hộ gia đình anh Mùa A Tâu là hộ khá giàu còn lại đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo.
"Làm cũng khó khăn, vất vả đấy nhưng mình phải chịu khó, phải đi tìm hiểu, phải đi hỏi ông Phúc và những người đi trước để họ tư vấn cho, phải lấy thuốc này đi phun và phân này cho nó tốt, cho nó to nhanh, họ bảo thế mình mới đi theo làm theo thế mới được. Mà làm vất vả lắm nhưng phải chịu khó phải làm thôi, không phải trồng được là được ăn đâu, trồng rồi thì phải đi chăm sóc, làm cỏ, phun, tưới nước vào phải cho phân, bón phân hàng tháng, hàng năm thì mới được", anh Tâu nói.
Anh Mùa A Da, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Bó Chạy, xã Chiềng Khoong (Sông Mã, Sơn La) chia sẻ: Bản mình có nhiều hộ học theo anh Tâu rồi nhưng nó không hiệu quả, chỉ có anh Tâu làm hiệu quả, có người đến học nhưng vẫn không có kinh nghiệm làm, anh Tâu có kinh nghiệm làm mới thành công được.
Mô hình trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn huyện Sông Mã (Sơn La) có không ít, nhưng mô hình do người dân tộc Mông tự tìm tòi phát triển, lại ở trên vùng cao như anh Mùa A Tâu thì quả là hiếm có.
Cần nhân rộng các gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, anh Đặng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong (Sông Mã, Sơn La) cho biết: Đối với gia đình anh Tâu sau khi đi học hỏi kinh nghiệm các mô hình thì cũng đã về phát triển được cây ăn quả trên địa bàn vùng cao. Hiện nay, trên diện tích nương đồi của gia đình anh Tâu cũng đã có một số loại quả chủ yếu như: nhãn, bưởi da xanh, cam, hồng.... Trong thời gian tới UBND xã sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân dân trên địa bàn xã để đi thăm, học hỏi các mô hình ở khu vực vùng cao, đặc biệt là nhân dân ở địa bàn vùng cao đến để học hỏi mô hình của anh Tâu.
Nông dân Mùa A Tâu, bản Bó Chạy, xã Chiềng Khoong (Sông Mã, Sơn La) thực sự là tấm gương sáng, điển hình, là minh chứng sống cho việc tự đi tìm đường thoát nghèo, không ỉ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước. Anh và gia đình đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu bền vững bằng chính bàn tay, khối óc của mình, bằng chính những gì mà anh và gia đình đang có.