Hiện nay, quả bơ được xem như một trong những loại quả đặc sản của Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng nhờ điều kiện sinh thái phù hợp. Đắk Nông là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước, với diện tích gần 2.600 ha và năng suất bình quân từ 10-15 tấn/ha. Đắk Nông hiện trồng được nhiều giống bơ cho trái quanh năm. Bơ Đắk Nông có độ dẻo, màu vàng sậm, mẫu mã đẹp và chín kéo dài so với bơ các địa phương khác.
Bơ chủ yếu sử dụng ăn tươi và chế biến các sản phẩm như bơ khoanh đông lạnh, kem, bột,.. Đây là cây ăn trái có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Bơ còn là nguồn giàu β- sitosterol giúp giảm cholesterol, lutein có thể ngăn chặn ung thư đại tràng và glutathione giúp cơ thể chống lại các chất sinh ung thư. Đặc biệt, hàm lượng dầu trong trái bơ tương đối cao 15 - 30%, ở dưới dạng nhũ dầu nên rất dễ tiêu hóa, cơ thể có thể hấp thu đến 92,8%. Trong dầu bơ có hàm lượng chất béo không bão hòa cao nên tốt cho tim mạch và sức khỏe.
Bơ là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Internet
Mặc dù có lợi thế lớn, nhưng giá trị hàng hóa bơ của Đắk Nông còn thấp do chưa tạo các sản phẩm từ bơ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các nghiên cứu về cây bơ cũng mới chỉ quan tâm đến công tác điều tra, đánh giá, chọn lọc các giống và nâng cao kỹ thuật nhân giống.
Nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm bơ, Sở KH&CN Đắk Nông đã đặt hàng Viện Sinh học nhiệt đới thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ lên men nhằm tăng hiệu quả trích ly dầu tạo một số sản phẩm mỹ phẩm từ thịt quả bơ trồng tại tỉnh Đắk Nông”.
Nhóm thực hiện đã phân lập được năm chủng vi khuẩn lactic và một chủng nấm men có khả năng sinh acid lactic, có hoạt tính enzyme amylase và hoạt tính enzyme cellulase. Nhóm đã nghiên cứu để tối ưu hóa và cải tiến điều kiện lên men chủng vi khuẩn lactic Leuconostoc pseudomesenteroides, trong điều kiện lên men pH 6.5, thời gian 48h và nhiệt độ 37°C, để thu nhận tinh dầu bơ.
Một số sản phẩm từ quả bơ. Ảnh: NNC
Đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ trích ly dầu từ trái bơ bằng phương pháp enzyme đạt tiêu chuẩn dầu tinh khiết, với hiệu suất thu hồi dầu đạt 73%. Đồng thời, xây dựng quy trình sản xuất bột bơ loại béo, cũng như bột dinh dưỡng từ cơ sở bột trái bơ sau khi trích ly dầu, với hàm lượng chất xơ đạt 6,15%.
Ngoài ra, nhóm tác giả còn xây dựng được công thức và quy trình bào chế sáp bơ chống khô da và bảo vệ da; mặt nạ bơ làm sáng da, lotion kích thích mọc tóc; son dưỡng môi chứa dầu lên men từ thịt quả bơ. Các sản phẩm thu được có đặc tính hóa lý, tính an toàn, tính kích ứng, độ bám dính, độ ổn định đạt chuẩn.
Kết quả nghiên cứu là căn cứ để mở ra hướng đi mới cho trái bơ Đắk Nông, góp phần nâng cao giá trị của trái bơ trên thị trường và cải thiện đời sống cho người trồng bơ.
Đề tài đã được Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông nghiệm thu, kết quả đạt.