Gia đình chị Hà Thị Luyến, ở tổ dân phố Văn Hữu, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), là một trong những hộ chăn nuôi gà quy mô lớn trên địa bàn, với tổng đàn hơn 200 nghìn con. Trong quá trình nuôi, gia đình chị luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho gà. Chị Luyến cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc 2 lần/tuần.
Trao đổi với chúng tôi, chị Luyến cho biết: Dịp cuối năm, nhu cầu của thị trường thường tăng cao. Vì vậy, chúng tôi luôn chú trọng cung cấp đủ thức ăn, vitamin nhằm giúp đàn gà khỏe mạnh, phát triển nhanh.
Tương tự, những ngày này, chị Nguyễn Thị Nhung, ở xóm Bình Ca, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đang tập trung chăm sóc, vỗ béo đàn bò để kịp xuất bán vào dịp cuối năm.
Chị Nhung chia sẻ: Nhà tôi nuôi 23 con bò 3B. Ngoài các loại thức ăn phổ biến như: cỏ voi, rơm, rạ... tôi còn mua thêm bã bia và thức ăn thừa của các nhà máy để nuôi bò, góp phần giảm chi phí sản xuất. Hiện nay, một con bò có trọng lượng từ 5 tạ trở lên có giá từ 40-50 triệu đồng. Do vậy, tôi rất chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, khử khuẩn chuồng trại và tiêm vắc-xin đầy đủ cho vật nuôi. Qua đó vừa bảo vệ đàn vật nuôi, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi.
Đối với các hộ chăn nuôi lợn, hoạt động tái đàn phục vụ thị trường Tết diễn ra chủ yếu ở các trang trại, gia trại đảm bảo điều kiện an toàn dịch bệnh. Anh Nguyễn Phụ Hải, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên, thông tin: Hiện nay, đơn vị đang liên kết với 22 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với quy mô trên 23 nghìn con. Tại các trang trại này, lợn chủ yếu được nuôi theo hình thức chuồng kín, Công ty cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu đầu ra, nên bà con không phải lo thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát, giá bán và mức độ tiêu thụ có chiều hướng tăng. Đây là điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, đảm bảo nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới.
Hiện nay, giá lợn hơi đang dao động ở mức 60-62 nghìn đồng/kg, tăng 10-12 nghìn đồng/kg so với thời điểm tháng 5/2023. Tương tự, giá gà lông trắng cũng đã tăng từ 33 nghìn đồng/kg lên 40 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, các hộ chăn nuôi đã bắt đầu có lãi. Do vậy, bà con nông dân có điều kiện đầu tư, cải tạo chuồng trại, sử dụng thức ăn công nghiệp chất lượng, kỹ thuật nuôi tiên tiến, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, thị trường những tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn nữa, khi nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm tăng trở lại trong bối cảnh ngành du lịch, dịch vụ tiếp đà hồi phục. Tuy nhiên, ngành Chăn nuôi vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong những tháng cuối năm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, các chi phí sản xuất (giá thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y…) luôn biến động. Ngoài ra, đầu ra của sản phẩm và giá thịt gia súc, gia cầm cũng là điều khó dự đoán.
Chính vì vậy, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh khuyến cáo bà con không nên tăng đàn ồ ạt, mà cần căn cứ thực tế chuồng trại, chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm chất lượng và phát triển theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, Chi cục cũng sẽ phối hợp với ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chăn nuôi, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và chuẩn bị công tác tiêm phòng đợt 2 cho đàn vật nuôi. Ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh cần báo cho cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý...
Năm 2023, ngành chăn nuôi Thái Nguyên đặt mục tiêu giá trị sản xuất đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4,12% so với năm 2022. |