Giá lợn hơi hôm nay 28/8/2023, khó trụ vững
Lợn hơi toàn quốc rớt giá liên tục ở nhiều tỉnh thành trên cả 3 miền, không có sự chênh lệch giá - mức giá lợn hơi trung bình cả nước chỉ còn 57.100 đồng/kg. Lượng lợn trong dân vẫn còn nhiều, người chăn nuôi trông ngóng mức giá tăng trở lại để đạt lợi nhuận tốt hơn song xem ra rất khó.
Cụ thể giá lợn hơi tại miền Bắc không còn trên 60.000 đồng. Trong đó, Yên Bái và Lào Cai tiếp tục giao dịch với mức thấp nhất khu vực là 58.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại giao dịch phổ biến ở mức 59.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng đã chững giá trong ngày đầu tuần sau khi giảm liên tục vào cuối tuần trước. Hiện, các địa phương bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Thuận cùng thu mua với giá 57.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại giao dịch ở mức 58.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Nam cũng đã tạm dừng đà rơi và đi ngang trên diện rộng. Mặc dù vậy, áp lực giảm giá vẫn còn khá lớn khi lượng lợn nông hộ bán ra khá nhiều trong thời điểm này. Tại hai tỉnh Long An và Trà Vinh lợn hơi tiếp tục được thu mua với giá 56.000 đồng/kg. Các tỉnh, thành còn lại duy trì thu mua với giá trong khoảng 57.000 - 58.000 đồng/kg.
Hôm nay (28/8) giá lợn Trung Quốc đứng ở mức 55.800 đồng/kg, tiếp tục đi lên nhẹ so với cuối tuần trước. Theo USDA, Trung Quốc dự kiến sẽ sản xuất 56 triệu tấn thịt lợn trong năm 2023, tăng 1,1% so với năm 2022; Khối lượng nhập khẩu ước tính tăng 8,2%, đạt 2,3 triệu tấn.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc trong quý II/2023 đạt 14,4 triệu tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, mức cao nhất quý II trong 10 năm qua. Thông thường, quý II là khoảng thời gian có sản lượng thịt lợn của Trung Quốc thấp nhất, do hoạt động giết mổ gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng năm nay, nguồn cung dồi dào, đàn lợn tăng hơn năm trước, ngay cả khi nhu cầu giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt 30,3 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022; Lượng lợn giết mổ đạt 375,48 triệu con, tăng 2,6%; Trong khi đàn lợn trong quý II/2023 cũng tăng lên 435,17 triệu con, tăng từ mức 430,94 triệu con trong quý I/2023. Các nhà sản xuất lớn cho biết sẽ giảm sản lượng trong nửa cuối năm 2023.
Tại Việt Nam, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tăng trở lại trong quý II/2023. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý II/2023, Việt Nam nhập khẩu 165,12 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 326,8 triệu USD, tăng 26,6% về lượng và tăng 20,4% về trị giá so với quý I/2023; So với quý II/2022, tăng 6,5% về lượng, nhưng giảm 5,3% về trị giá.
Trong quý II/2023, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ, Brazil và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam với 28,62 nghìn tấn, trị giá 87,27 triệu USD, giảm 22,7% về lượng và giảm 16,7% về trị giá so với quý I/2023; So với quý II/2022, giảm 27,8% về lượng và giảm 32,5% về trị giá.
Trong quý II/2023, thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống; Thịt lợn tươi; Thịt trâu tươi; Thịt bò tươi đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt trâu, thịt bò có xu hướng giảm; nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn và phụ phẩm sau khi giết mổ của trâu, bò, lợn lại tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong quý II/2023, Việt Nam nhập khẩu 27,08 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), trị giá 72,56 triệu USD, tăng tăng 11% về lượng và tăng 43,5% về trị giá so với quý II/2022. Nhập khẩu thịt lợn có xu hướng tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2023, tuy nhiên lượng nhập khẩu thịt lợn chỉ chiếm khoảng 3% - 4% so với tổng sản lượng sản xuất thịt lợn của cả nước. Đây là con số khá nhỏ và chưa đủ để tác động lên giá lợn hơi và giá thịt lợn trong nước. Nga, Brazil, Đức, Canada và Hà Lan là 5 thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam trong quý II/2023.
Thời gian tới, tiêu thụ thịt và các sản phẩm thịt dự kiến sẽ tăng trở lại do nhu cầu tiêu dùng đang dần phục hồi. Do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ khó tăng đột biến. Các mặt hàng thịt và sản phẩm thịt nhập khẩu trong thời gian tới chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; Thịt trâu, bò, lợn tươi đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống đông lạnh…