Doanh nghiệp, người chăn nuôi gia cầm đang trong tình cảnh rất khó khăn. Giá bán ra luôn dưới giá thành, chăn nuôi thua lỗ.
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là gà đẻ loại thải nhập lậu nhiều. Cùng đó là nhập siêu các sản phẩm gia cầm, trong đó chủ yếu là gà đẻ loại đông lạnh, còn được gọi là gà dai. Loại gà này phần lớn tại các nước phát triển không sử dụng làm thực phẩm cho người.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng nếu tình trạng này không được kiểm soát thì không những sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng nước ta.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cũng dẫn chứng kể từ năm 2014, việc sử dụng Ractopamine, Cysteamine làm chất kích thích sinh trưởng, tạo nạc cho vật nuôi đã bị cấm tại 160 quốc gia trên thế giới kể cả ở nước ta vì nguy có gây ung thư cho người sử dụng. Tuy nhiên, nghịch lý là hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn, bò và gà từ một số quốc gia được phép sử dụng hai chất nêu trên cho gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết bất cứ sản phẩm nào khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải theo quy trình 5 bước để đánh giá. Mỗi sản phẩm động vật muốn được nhập khẩu vào Việt Nam thì đều phải có tối thiểu 4-5 năm đánh giá mới được nhập khẩu. Vì vậy cho rằng sản phẩm không đảm bảo chất lượng được nhập khẩu vào Việt Nam là chưa phù hợp.
Phó cục trưởng Cục Thú y cũng cho biết, những sản phẩm gia cầm ở Việt Nam như gà đẻ trứng sau thời gian khai thác vẫn được đưa vào làm thực phẩm cho người Việt Nam dùng, nên khi đàm phán thì không thể nói gà loại thải này của các nước không sử dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Thuỷ cũng cho hay theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng, thời gian tới Cục sẽ rà soát lại các sản phẩm của các nước đang nhập siêu vào Việt Nam.
Bà Thuỷ cũng chia sẻ bất cập, tại Nghị định 15 về kiểm tra an toàn thực phẩm, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã giảm mẫu kiểm tra về an toàn thực phẩm đến 95%. Nghĩa là 100 lô xuất khẩu thì chỉ được lấy 5 mẫu để kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó có các chỉ tiêu về dư lượng mà một số báo có đề cập.
“Thế nhưng trong 2 năm qua, quá trình kiểm tra chúng tôi chưa phát hiện mẫu nào vượt dư lượng ở nhóm thịt động vật trên cạn là heo, bò, gia cầm để ở mức cảnh báo.
Trước những kiến nghị này chúng tôi sẽ rà soát lại. Thế nhưng chúng ta tham gia Tổ chức thương mại thế giới nên dù có xây dựng quy chuẩn tiêu chuẩn chăng nữa thì nếu áp dụng với các sản phẩm nhập khẩu cũng sẽ phải áp dụng với các sản phẩm trong nước. Điều này sẽ phải cân nhắc, rà soát và báo cáo Bộ trưởng” - bà Thuỷ nói.
Bà Thuỷ cũng cho biết theo báo cáo của các chi cục kiểm dịch và phối hợp với các đội liên ngành, từ đầu năm đến nay có hơn 4.000 tấn gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 4.000 tấn là chân gà, còn hơn 400 tấn là giống gà, vịt.