|
  • :
  • :

Cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả gieo trồng lúa 

Những năm gần đây, nông dân tại TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL tăng cường áp dụng máy móc phục vụ cơ giới hóa khâu gieo trồng lúa. Việc áp dụng các loại máy trong gieo cấy lúa, nhất là máy cấy, máy sạ cụm, đã giúp nông dân giảm mạnh lượng sử dụng giống, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trình diễn sạ lúa bằng máy sạ cụm tại Viện Lúa ÐBSCL ở TP Cần Thơ.

Trước đây, nông dân tại ÐBSCL sử dụng lượng giống lúa trong gieo sạ lên đến 200-250kg/ha, thậm chí hơn, thì nay đa phần nông dân sử dụng lượng giống từ 100-150kg/ha. Hiện nông dân tại nhiều địa phương cũng đã sử dụng lượng giống dưới 100kg/ha mà hiệu quả sản xuất vẫn được đảm bảo tốt nhờ sử dụng máy cấy, máy sạ cụm, máy phun hạt hay thiết bị sạ hàng. Ðặc biệt, khi cấy máy và áp dụng máy sạ cụm, nông dân chỉ cần sử dụng lượng giống từ 40-60 kg/ha.

Ông Võ Hoàng Thân, nông dân ở ấp Ðông Giang A, xã Ðông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Ðược sự hỗ trợ và khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, tôi áp dụng và nhận thấy việc sử dụng máy cấy để cấy lúa chỉ cần lượng giống 60kg/ha, giảm hơn 50% so với trước đây. Sử dụng lượng giống phù hợp giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, bởi gieo sạ quá dày, vừa tốn thêm chi phí tiền giống, dễ bị đổ ngã, sâu bệnh, lại tốn thêm tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...”.

Theo anh Phạm Văn Ngọt ở khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nông dân đã áp dụng nhiều loại máy móc vào khâu gieo trồng lúa vừa đỡ vất vả, đồng thời tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí, đặc biệt là giúp gieo trồng lúa đồng đều, sử dụng giống tiết kiệm. Hiện nay, máy phun hạt được nông dân sử dụng phổ biến nhất để gieo sạ lúa. Bên cạnh đó, nông dân còn áp dụng máy cấy hay máy sạ cụm, nhất là đối với những khu vực sản xuất lúa giống.

Vụ hè thu 2022, các địa phương vùng ÐBSCL đã xuống giống được hơn 1,49 triệu héc-ta lúa. Theo số liệu điều tra, thống kê từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh, thành ÐBSCL, diện tích lúa vụ hè thu 2022 được nông dân sử dụng lượng giống dưới 100kg/ha chiếm 12,76%, tăng 0,2% so với vụ hè thu trước. Diện tích sử dụng lượng giống từ 100-150kg/ha chiếm 68,01%, tăng 0,97% so với vụ hè thu trước và sử dụng trên 150 kg/ha chiếm 19,23%, giảm 1,26% so với vụ hè thu trước.

Ðể góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ và khuyến khích nông dân thực hiện các giải pháp giảm lượng giống trong gieo trồng lúa. Bộ NN&PTNT cũng phối hợp các địa phương và đơn vị liên quan hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình trình diễn giảm giống hiệu quả bằng các biện pháp sạ bằng máy phun hạt, dụng cụ sạ hàng, máy cấy, máy sạ cụm, với lượng sử dụng giống chỉ từ 100kg/ha trở xuống. Thông qua các hoạt động khuyến nông và nhiều chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai thực hiện tại ÐBSCL (như VnSAT, canh tác lúa thông minh…), ngành chức năng cũng đã tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng giống hiệu quả và tiết kiệm thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo trồng lúa. Ðồng thời, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… gắn với phát triển cánh đồng lớn và các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Tại TP Cần Thơ, khâu gieo sạ lúa đã cơ giới hóa đạt 95% diện tích và thành phố cũng phát triển mạnh được mô hình cánh đồng lớn. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện thành phố có 136 mô hình cánh đồng lớn, với diện tích 33.576ha với hơn 24.050 nông hộ tham gia. Lợi nhuận của nông dân trong mô hình đã tăng thêm từ 1,4-4,2 triệu đồng/ha/vụ nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để giảm lượng sử dụng giống, vật tư nông nghiệp và nâng cao được chất lượng, giá bán sản phẩm.

Nông dân ngày càng quan tâm cơ giới hóa và thực hiện gieo cấy thưa, sử dụng giống tốt để lúa đạt năng suất, chất lượng cao. Song, do còn gặp nhiều khó khăn nên việc thực giảm khối lượng hạt giống gieo sạ của nông dân tại vùng ÐBSCL còn chậm so với mong đợi và chưa có sự đồng đều giữa các địa phương và các vụ sản xuất. Nhiều nông dân còn hạn chế về tài chính và khả năng tiếp cận với các công nghệ và máy móc mới. Ruộng lúa tại nhiều nơi cũng chưa đảm bảo bằng phẳng và còn thường xuyên bị tấn công bởi nhiều đối tượng gây hại như chim, chuột, ốc bươu vàng... nên nông dân còn gieo sạ dày để “trừ hao” lúa bị chết do dịch hại cắn phá hay ngập nước tại những khu vực trũng thấp. Nông dân cũng ngại tốn nhiều thời gian và chi phí để giặm lúa... Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Bộ môn Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Lúa ÐBSCL, áp dụng máy sạ cụm và cấy máy, nông dân chỉ cần sử dụng 50-60kg giống/ha trở lại nên giảm được rất nhiều chi phí tiền giống. Tuy nhiên, diện tích gieo trồng lúa tại vùng ÐBSCL áp dụng các loại máy này còn khiêm tốn, với khoảng 5% diện tích.

Ðể giúp nông dân giảm giống lúa hiệu quả, tới đây ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ nông dân đưa các loại máy móc hiện đại vào khâu gieo cấy, nhất là máy cấy và máy sạ cụm. Khuyến cáo nông dân quan tâm thực hiện tốt khâu làm đất, tạo bề mặt ruộng lúa bằng phẳng để lúa lên đồng đều, ít bị hao hụt. Hỗ trợ nông dân trong liên kết, phát triển các hợp tác xã và tổ hợp tác để “dùng chung” các loại máy nhằm phát phát huy hiệu quả đầu tư.  

Nguồn: https://baocantho.com.vn/co-gioi-hoa-de-nang-cao-hieu-qua-gieo-trong-lua-a151252.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin