|
  • :
  • :

Có gan làm giàu 

Năm 2017, chú Lê Văn Tài ở ấp Trường Thọ 2A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền đưa ra quyết định táo bạo, chuyển đổi toàn bộ gần 4ha đất lúa sang trồng sầu riêng. Nhờ cần cù, ham học hỏi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú Tài đã thành công từ mô hình trồng sầu riêng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chú sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng và tạo công việc cho lao động nhàn rỗi ở địa phương…

Chú Lê Văn Tài gắn bó cùng cây sầu riêng 7 năm qua. 

Thành tỈ phú nhờ dám nghĩ dám làm

Trước khi trồng sầu riêng, chú Tài theo truyền thống gia đình trồng lúa trên diện tích gần 4ha đất. Vốn tính cần cù cùng với kinh nghiệm của gia đình, quá trình canh tác lúa khá thuận lợi, mỗi vụ trồng lúa cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Song, nhận thấy tiềm năng từ cây sầu riêng, chú Tài quyết định tìm tòi học hỏi những kiến thức, kỹ thuật canh tác loại cây này. Trong đó, sầu riêng Ri6 có quả hình thoi, to và tròn, cuống dày, vỏ sầu riêng màu xanh trông đẹp mắt. Khi chín, Ri6 có mùi thơm rất nồng, đậm; phần cơm của Ri6 khá dày, hạt lại lép, vị béo vừa phải. Chính vì vậy, giống sầu riêng này được rất nhiều người ưa chuộng.

Sau khi tích cóp được vốn kiến thức về cách trồng, chăm sóc sầu riêng Ri6, năm 2017, chú Tài đã đi đến một quyết định được xem là táo bạo, đó là lên vườn trồng 540 gốc sầu riêng Ri6 cho toàn bộ diện tích đang trồng lúa. Gọi là táo bạo bởi thời điểm này, chú Tài là người đầu tiên trồng sầu riêng trên địa bàn xã Trường Long. Hơn nữa, sầu riêng là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên lại khá khó trồng, song chú Tài không chuyển đổi từng phần mà quyết định một lần thay đổi toàn bộ từ lúa đang cho thu nhập ổn định sang trồng sầu riêng. Theo chú Tài, làm việc gì cũng cần có sự tập trung, dù khá mạo hiểm nhưng như vậy, chú mới có thể toàn tâm toàn ý để chăm sóc vườn sầu riêng mà không phân tâm đến việc khác.

Sau gần 4 năm miệt mài với vườn sầu riêng, chú Tài đã thu hoạch đợt trái đầu tiên. Song, vụ thu hoạch này lại không mấy thuận lợi khi rơi vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, dẫn đến tình hình tiêu thụ khó khăn, giá bán cũng không được cao. Trong đợt này, vườn sầu riêng thu hoạch được khoảng 22 tấn, bán với giá 20.000-30.000 đồng/kg. Nhớ lại thời điểm đó, chú Tài chia sẻ: “Tâm huyết và tất cả vốn liếng của gia đình trong 4 năm qua đều đổ dồn vào vườn sầu riêng, kết quả thu được không như kỳ vọng. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, nghĩ như vậy nên tôi giữ vững niềm tin tiếp tục chăm sóc vườn sầu riêng cho vụ mùa kế tiếp...”.

Từ vụ mùa thứ hai, sản lượng vườn sầu riêng của chú Tài bắt đầu tăng dần theo từng năm. Nhờ có kinh nghiệm chăm sóc, sầu riêng cho trái đẹp, chất lượng đồng đều, tạo được uy tín đối với đơn vị thu mua. Cứ gần đến thời điểm thu hoạch là có thương lái ở Tiền Giang liên hệ đặt cọc thu mua nên chú Tài không lo về vấn đề tiêu thụ. Ðể bảo đảm cho chất lượng sầu riêng, chú Tài tham gia canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng đó, đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho vườn sầu riêng...

Sẵn sàng sẻ chia

Tháng 4 đến tháng 6 hằng năm là thời điểm các nhà vườn trên địa bàn TP Cần Thơ bước vào thu hoạch rộ sầu riêng chính vụ. Nhưng vườn sầu riêng của chú Tài đã thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 3-2024, vừa trúng mùa vừa bán được giá. Chú Tài cho biết: Qua thời gian tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật xử lý ra trái sầu riêng sớm, năm nay, chú đã mạnh dạn thử nghiệm cho 240 gốc sầu riêng. Ðầu tháng 3, vườn thu hoạch hơn 30 tấn sầu riêng sớm, bán với giá 115.000 đồng/kg. Với 200 gốc còn lại, nhờ tiến hành tủ gốc cho sầu riêng bằng màng phủ giúp cây thoát nước tốt, không ứ đọng nước, nên cuối tháng 3 đã thu hoạch xong với sản lượng 40 tấn, giá bán 75.000 đồng/kg.

Theo ước tính của chú Tài, do thuê nhân công chăm sóc, chi phí đầu tư cho 1 cây sầu riêng khoảng 2 triệu đồng. Vụ sầu riêng năm nay chú Tài thu về lợi nhuận hơn 5 tỉ đồng. Trồng sầu riêng cho giá trị kinh tế cao nhưng quá trình chăm sóc cũng không đơn giản. Chú Tài cho biết thêm: Trồng sầu riêng thấy mê lắm mà cũng cực lắm, ngày nào cũng có chuyện làm. Hầu hết thời gian trong ngày, chú đều ở ngoài vườn theo dõi sát sao tình hình của cây. Chỉ cần thấy cây chớm có dấu hiệu “không khỏe” là kịp thời xử lý ngay, không để ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Ðể sầu riêng cho năng suất cao, chất lượng tốt, cây không bị suy kiệt làm ảnh hưởng đến các vụ tiếp theo phải nắm vững kỹ thuật canh tác như bón phân, tưới nước, thụ phấn, phòng chống sâu bệnh… Bên cạnh tìm tòi, học hỏi qua các hội thảo, tập huấn, thông tin trên báo đài… bản thân người làm vườn tích lũy kinh nghiệm từ thực tế để áp dụng vào vườn nhà một cách hợp lý, kinh tế nhất…

Sau bao năm miệt mài phấn đấu, chú Tài đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất, thửa ruộng của gia đình mình, lợi nhuận thu được hàng tỉ đồng mỗi năm. Cái hay là chú không “giấu nghề”, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm canh tác hiệu quả của mình cho bà con có nhu cầu trong quá trình trồng sầu riêng. Không chỉ vậy, chú Tài còn tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương có thu nhập ổn định.

Cô Bùi Thị Châm, Giám đốc Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, cho biết: Anh Lê Văn Tài là người tiên phong trồng sầu riêng ở khu vực này. Nhờ tính chịu khó, ham học hỏi cùng với kinh nghiệm thực tế, anh Tài có kỹ thuật trồng sầu riêng tốt, luôn cho năng suất cao và bán được giá. Là thành viên của hợp tác xã, anh Tài tận tình chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng cho các thành viên khác và đạt hiệu quả cao. Vườn sầu riêng có diện tích khá lớn, tạo được việc làm cho khoảng 10 lao động ở địa phương trong các khâu chăm sóc sầu riêng với thu nhập từ 200.000-250.000 đồng/ngày. Ngoài ra, anh Tài cũng nhiệt tình tham gia đóng góp xây cầu, làm đường hay các hoạt động khác của địa phương…

Nguồn: https://baocantho.com.vn/co-gan-lam-giau-a173858.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin