|
  • :
  • :

Cô gái trẻ với mô hình sản xuất hoa, kiểng cấy mô

Nhận thấy nhu cầu sử dụng giống cây hoa, kiểng của thị trường tăng cao, đầu năm 2020, chị Nguyễn Kim Thi (SN 1995) - chủ Cơ sở sản xuất cây giống cấy mô Minh Thi (xã Long Thắng, huyện Lai Vung) quyết tâm học hỏi kỹ thuật cấy mô để sản xuất. Đến nay, cơ sở của chị Thi chuyên cung cấp nhiều cây giống hoa, kiểng chất lượng cho thị trường.

Chị Nguyễn Kim Thi nghiên cứu sản xuất hoa, kiểng cấy mô

THỎA NIỀM ĐAM MÊ

Với đam mê hoa, kiểng từ thuở nhỏ, sau khi học xong THPT, chị Nguyễn Kim Thi đăng ký học khoa nông nghiệp, chuyên ngành công nghệ sinh học, Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long). Ra trường, chị Thi được gia đình hỗ trợ vốn để theo đuổi đam mê với mô hình sản xuất hoa, kiểng cấy mô.

Với số vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng được gia đình hỗ trợ, chị Thi cải tạo, sửa chữa căn phòng cũ thành phòng thí nghiệm nuôi cấy mô với diện tích 20m2, đầu tư hệ thống nhà lưới 80m2. Đồng thời, chị mua sắm trang, thiết bị phục vụ công việc thí nghiệm và đầu tư cấy hơn 200 chai mô.

Theo chị Thi, những tháng đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm nên việc nuôi hoa, kiểng cấy mô gặp nhiều khó khăn, cây bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chị luôn kiên nhẫn vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Theo đó, chị chọn những giống hoa, kiểng khỏe mạnh, không sâu bệnh, có nhiều đặc điểm nổi trội làm giống nuôi cấy.

Đến đầu năm 2021, chị Thi bắt đầu hoàn thiện quy trình sản xuất và cho ra sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng tốt. Ưu điểm của cây giống cấy mô là sạch bệnh, sức phát triển tốt, đỡ tốn chi phí chăm sóc. Đồng thời, cây cho năng suất và chất lượng cao hơn so với giống cây được sản xuất bằng những phương pháp khác.

Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, cho biết: “Mô hình sản xuất hoa, kiểng cấy mô của Cơ sở sản xuất cây giống cấy mô Minh Thi tạo ra “làn gió mới” trong việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao về cung ứng giống. Ưu thế lớn nhất của mô hình cấy mô là tạo ra một số lượng lớn hoa, kiểng, tạo ra giống sạch bệnh, đáp ứng được nhu cầu của thị trường”.

MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG

Chị Nguyễn Kim Thi chia sẻ: “Phương pháp sản xuất hoa, kiểng bằng giống  không đòi hỏi kỹ thuật cao siêu, chỉ cần áp dụng đúng quy cách chăm sóc là có thể thành công”.

Với tuổi trẻ năng động và nhạy bén, chị Nguyễn Kim Thi nhanh chóng quảng bá sản phẩm của mình trên mạng xã hội, nhờ đó sản phẩm được nhiều người biết đến, thương lái tìm tới tận nơi thu mua. Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Thi mở rộng phòng cấy mô lên 60m2, cùng hệ thống nhà lưới khoảng 150m2. Mỗi năm, Cơ sở sản xuất cây giống cấy mô Minh Thi cung ứng cho thị trường khoảng 300.000 cây giống hoa, kiểng cấy mô cho nông dân trong và ngoài tỉnh.

Chị Nguyễn Kim Thi chia sẻ thêm: “Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm phòng cấy mô để phục vụ sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Đồng thời nghiên cứu thêm nhiều giống hoa, kiểng mới lạ để đa dạng hóa sản phẩm. Cùng với đó, liên kết với nông dân sản xuất hoa, kiểng trong tỉnh để tạo vòng kết nối khép kín từ khâu đầu vào đến tiêu thụ đầu ra...”.

Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, cho biết thêm: “Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện sẽ hỗ trợ mô hình mở rộng quy mô sản xuất nhà cấy mô; đồng thời, xây dựng nhà màng, nhà lưới phục vụ việc ươm giống...”.

Nguồn: http://baodongthap.com.vn/kinh-te/co-gai-tre-voi-mo-hinh-san-xuat-hoa-kieng-cay-mo-119705.aspx