|
  • :
  • :

Cổ đông HAG chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ 130 triệu cp giá 10.000 đồng/cp, 1.300 tỷ đồng thu được để làm gì?

Theo biên bản kiểm phiếu từ đợt lấy ý kiến của cổ đông bằng văn bản, HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu (cp) riêng lẻ. HAG dự kiến chào bán riêng lẻ 130 triệu cp với giá chào bán là 10,000 đồng/cp - cao hơn 33% so với thị giá 7.510 đồng/cp (kết phiên 26/9). Thời gian thực hiện sau khi được UBCKNN chấp thuận. Đối tượng tham gia là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, số lượng dưới 100 người.

Tổng số tiền dự kiến thu được 1.300 tỷ đồng, HAG sẽ dùng 323 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu phát hành ngày 18/6/2012 (mã HAG2012.300); cơ cấu lại khoản nợ tại TPBank với công ty con là Gia súc Lơ Pang (277 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng). Thời gian giải ngân dự kiến từ 2023-2024.

Trước đó, vào tháng 4/2023, HAG đã không thành công trong đợt phát hành riêng lẻ gần 162 triệu cp với giá 10.500 đồng/cp (dự thu 1.700 tỷ đồng), nguyên nhân do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán nên các nhà đầu tư đã từ chối mua.

Cơ cấu lại các khoản vay, cổ đông HAG chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ 130 triệu cp giá 10.000 đồng/cp - Ảnh 1.

Đến hiện tại, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL vẫn khẳng định con đường kinh doanh chủ lực là “hai cây - một con”: Trồng chuối - sầu riêng và nuôi lợn.

Trước đó, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) đã công bố ước tính kết quả kinh doanh tháng 8 với doanh thu mảng trái cây gần gấp đôi mảng chăn nuôi.

Theo đó, doanh thu thuần trong tháng 8 của HAG ước đạt 660 tỷ đồng. Trong đó, cây ăn trái đóng góp 338 tỷ đồng, chăn nuôi mang về 182 tỷ đồng và 140 tỷ đồng đến từ ngành phụ trợ.

Được biết, trong nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của HAGL đạt 3.144,9 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp giảm 26%, đạt 385,2 tỷ đồng. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 382,3 tỷ đồng.

Kiểm toán đưa ra ý kiến nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn là hơn 2.959,4 tỷ đồng, và nợ ngắn hạn của HAGL đã vượt quá tài sản ngắn hạn so với số tiền là 2.004 tỷ đồng. Các điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo HAG cho biết Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.

Đến hiện tại, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL vẫn khẳng định con đường kinh doanh chủ lực là “hai cây - một con”: Trồng chuối - sầu riêng và nuôi lợn, và với tình hình kinh doanh khả quan như hiện nay thì đến năm 2024, lợi nhuận của HAGL sẽ không dưới 2.000 tỷ đồng/năm.

Hiện HAGL là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chuối hàng đầu tại Việt Nam và thị trường Trung Quốc chiếm 80 - 90% sản lượng chuối xuất khẩu của tập đoàn này.

Tháng 5 vừa qua HAGL đã lập công ty liên kết bên Trung Quốc, trong đó HAGL nắm 50% vốn (đối tác Trung Quốc nắm 50% vốn). Đối tác liên kết của HAGL là một công ty chuyên ủ chuối và đưa vào kênh siêu thị. Lợi thế của công ty này là có sẵn đầu mối bán lẻ. Thương hiệu chuối HAGL bán lẻ sang Trung Quốc là Pleiku Sweet (chuối siêu ngọt Pleiku), được đóng gói theo quy cách Nhật với số lượng nhỏ khoảng 3-4 trái.

Theo HAGL, kênh tiêu thụ này giúp sản phẩm của công ty ổn định giá hơn trước. Hiện sản lượng xuất vào khoảng 100 container/tháng, dự kiến sắp tới sẽ tăng lên vì “bán bao nhiêu họ ăn hết bấy nhiêu".

Về sầu riêng, với 1.200 ha sầu riêng giống Musang King và Mong Thong Thái tại Việt Nam và Lào, HAGL hiện là doanh nghiệp có vườn sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á. Trong đó, diện tích sầu riêng tại Lào chiếm 80%. Năm 2024, sầu riêng được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho doanh thu của HAGL khi 50% diện tích sẽ cho trái.

Trước lo ngại về khả năng sầu riêng có thể bị mất giá hoặc bị cạnh tranh với Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, ông Đoàn Nguyên Đức đánh giá nhu cầu trường đang rất lớn. Hiện, nguồn cung sầu riêng của các nước Đông Nam Á cho thị trường Trung Quốc mới đáp ứng được khoảng 10% dân số nước này, nên không quá lo ngại.

Sầu riêng tươi tại Trung Quốc đang được bán với giá hơn 10 USD/kg, cao hơn đáng kể so với mức trung bình khoảng 6 USD/kg tại các nước Đông Nam Á. Theo chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức, mặc dù doanh thu từ sầu riêng chưa lớn so với quy mô do mới chỉ có một phần diện tích canh tác cho trái nhưng tỷ suất lợi nhuận của cây sâu riêng cao vượt trội so với các mảng kinh doanh khác, lên tới mức 400%. Năm 2024, sầu riêng được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai khi 50% diện tích sẽ cho trái.

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/co-cau-lai-cac-khoan-vay-co-dong-hag-chap-thuan-phuong-an-phat-hanh-rieng-le-130-trieu-cp-gia-10000-dong-cp-20230926201634496.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin