|
  • :
  • :

Cờ Đỏ nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả 

Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện Cờ Ðỏ đã và đang tích cực nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế tập thể, kinh tế vườn và các mô hình sản xuất có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, sản xuất theo VietGAP và các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thu hoạch lúa vụ thu đông 2023 tại mô hình cánh đồng lớn ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ.

Thu hoạch lúa vụ thu đông 2023 tại mô hình cánh đồng lớn ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ.

Thu nhập nông hộ được nâng cao

Ðầu năm 2023 đến nay, dù tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các chi phí sản xuất đầu vào tăng nhưng các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại huyện Cờ Ðỏ vẫn duy trì và phát triển khá tốt. Ðặc biệt, thu nhập của nhiều nông hộ tại huyện đã được nâng cao đáng kể so với năm trước nhờ nhiều loại nông sản trúng mùa và bán được giá, nhất là đối với sản xuất lúa. Ðồng thời, nông dân cũng đã cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản xuất.

Ðến nay, huyện Cờ Ðỏ đã thực hiện vượt mức so với kế hoạch của cả năm 2023 đối với nhiều chỉ tiêu về sản xuất trồng trọt và chăn nuôi. Huyện đã xuống giống gieo trồng 3 vụ lúa đạt tổng diện tích 62.825ha, với tổng sản lượng lúa đạt hơn 382.953 tấn, đạt hơn 104% so với kế hoạch. Tổng diện tích thực hiện cánh đồng lớn và cánh đồng mẫu là 32.839ha, đạt 101% so với kế hoạch. Huyện đã xuống giống gieo trồng rau, màu các loại hơn 5.045ha, đạt 100,76% kế hoạch, tăng 14,52ha so với cùng kỳ năm trước. Cây ăn trái đã trồng mới 134,8 ha, nâng tổng diện tích cây ăn trái toàn huyện lên hơn 4.935ha, đạt 100,32% kế hoạch. Diện tích thả nuôi thủy sản đạt hơn 6.024 ha, đạt 100,33% kế hoạch, tăng 3,1 ha so với năm trước. Bên cạnh đó, hiện huyện có đàn gia súc hơn 38.260 con, đàn gia cầm khoảng 430.959con. Toàn huyện hiện có 89 trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm... Theo UBND huyện Cờ Ðỏ, doanh thu bình quân trên 1 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp tại huyện đã đạt hơn 193,76 triệu đồng, đạt 105% kế hoạch của năm và người sản xuất đạt lợi nhuận bình quân hơn 89,38 triệu đồng/ha/năm, tăng gần 30 triệu đồng/ha so với năm 2022.

Tiếp tục phát huy

Huyện Cờ Ðỏ không chỉ đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới mà còn tích cực phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế vườn và các mô hình sản xuất có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hỗ trợ, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình VietGAP và các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tạo điều kiện để các hợp tác xã (HTX) và các hộ dân phát triển các sản phẩm OCOP từ các loại nông sản và sản vật tại địa phương để nâng cao chuỗi giá trị. Ông Huỳnh Văn Bằng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Hiện huyện Cờ Ðỏ đã có 46 HTX, trong đó có 40 HTX nông nghiệp. Ðến nay, huyện cũng đã có 12 sản phẩm OCOP, cùng hơn 100 mô hình nông nghiệp làm ăn có hiệu quả và huyện đang tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển. Ðể tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm OCOP và các loại nông sản, tới đây huyện cũng quan tâm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP và nông sản đặc trưng tại các xã đi trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, sự kiện triển lãm, cũng nhưng trưng bày tại các khu du lịch của huyện”.

Phát huy những kết quả đạt được trong chuyển dịch sản xuất nông nghiệp đúng hướng dựa trên những thế mạnh của địa phương, trong thời gian tới huyện Cờ Ðỏ xác định tiếp tục củng cố và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, cũng như xây dựng các mô hình mới phù hợp với từng vùng sản xuất trên địa bàn. Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Tiếp tục quan tâm phòng, chống thiên tai, quản lý hiệu quả tình hình dịch hại trên cây trồng và vật nuôi, ngăn chặn dịch bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng. Tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, phát triển sản phẩm OCOP... Tại hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp huyện Cờ Ðỏ năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 vừa được huyện tổ chức, huyện đã đề ra mục tiêu phát triển thêm ít nhất 4 HTX và 3 sản phẩm OCOP trong năm 2024. Diện tích sản xuất lúa phấn đấu đạt 61.703ha, với sản lượng hơn 367.000 tấn, trong đó có 32.500ha lúa tham gia cánh đồng lớn và cánh đồng mẫu. Diện tích sản xuất rau màu đạt 5.028ha, vườn cây ăn trái đạt hơn 5.100ha và diện tích thả nuôi thủy sản đạt 6.174 ha...

Theo ông Lê Chí Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Ðỏ, sản xuất nông nghiệp trong năm 2023 tại huyện Cờ Ðỏ đạt nhiều thắng lợi và đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất tinh thần cho người dân và kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống chỉ còn 0,1%... Dù vậy, sản xuất Nông nghiệp tại huyện vẫn còn tồn tại các khó khăn và hạn chế cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới. Ðó là liên kết giữa nông dân và các HTX với doanh nghiệp còn hạn chế, mô hình kinh tế tập thể phát huy hiệu quả chưa cao, sản xuất nhiều loại nông sản còn nhỏ lẻ và chưa có sự liên kết bền chặt lâu dài giữa các bên liên quan, nông dân và các HTX còn gặp khó trong tiếp cận vốn và khoa học công nghệ... Do vậy, ngành Nông nghiệp cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương của huyện cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về việc tăng cường liên kết, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tăng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa lớn... để đổi mới tư duy sản xuất, nâng cao giá trị, tăng hiệu quả và sản xuất bền vững. Tiếp tục thực hiện nghiêm và hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của thành phố và huyện trong phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế vườn. Ðẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế tập thể gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ thủ tục để hưởng các chính sách hỗ trợ. Ðặc biệt, phòng Nông nghiệp huyện cần phát huy chất lượng công tác tham mưu, công tác xây dựng văn bản và cụ thể hóa chính sách của các cấp thẩm quyền, có nghiên cứu sâu và có tầm nhìn xa để các chính sách phát huy hiệu quả cao. Tăng khả năng dự tính, dự báo thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa của huyện...

Nguồn: https://baocantho.com.vn/co-do-nhan-rong-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-hieu-qua-a166055.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin