Vườn sầu riêng của anh Cao Phát Triển dự kiến thu hoạch 15 tấn trái, huê lợi hơn 1 tỉ đồng. Trong ảnh: Anh Triển thăm vườn sầu riêng đang trổ bông.
Tỉ phú nông dân
Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng 7 năm tuổi xanh mướt, bông sắp xổ nhụy, anh Triển cho biết gia đình có 8.000m2 vườn. Năm 2013, anh trồng quýt hồng, mỗi năm huê lợi được từ 500-700 triệu đồng. Do lâu năm cây bị lão, năng suất và chất lượng trái giảm nên năm 2017 anh quyết định đốn bỏ để trồng 250 gốc mít Thái và 150 gốc sầu riêng Ri6, Monthong Thái Lan.
Theo anh Triển, để mô hình trồng mít Thái và sầu riêng có hiệu quả, anh đã tham gia nhiều lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật, chịu khó tìm tòi tài liệu nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn ở huyện Thới Lai, huyện Phong Ðiền, quận Cái Răng… Trong quá trình chăm sóc cây, anh chủ động áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, áp dụng quy trình sử dụng phân, thuốc đúng kỹ thuật.
Năm 2019, mít Thái bắt đầu ra trái, cây ngày càng trưởng thành cho năng suất và huê lợi ngày càng cao. Năm 2023, gia đình anh thu hơn 10 tấn trái mít Thái, huê lợi trên 300 triệu đồng. Từ năm 2021, sầu riêng cũng ra trái. Năm 2023, anh thu hoạch được 5 tấn trái sầu riêng, huê lợi được 350 triệu đồng. Nhìn những cây sầu riêng cao lớn, tán sum suê, bông đầy cành, anh Triển phấn khởi nói: “Năm nay thời tiết thuận lợi nên bông sầu riêng nhiều, tỷ lệ đậu trái rất cao. Dự kiến tháng 4 tới đây, gia đình tôi sẽ thu hoạch được khoảng 15 tấn trái, cầm chắc hơn 1 tỉ đồng”.
Anh Triển chia sẻ về kinh nghiệm về trồng mít Thái và sầu riêng là mật độ trồng phải thoáng, bón phân cân đối theo từng giai đoạn, chú trọng bón nhiều phân hữu cơ; bón phân phải đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Ðể cây mau lại sức sau một mùa nuôi dưỡng quả, cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã được hấp thu, tiêu thụ hết... Với cách làm này, vườn mít Thái và sầu riêng của anh Triển lúc nào cũng xanh tốt, hạn chế sâu bệnh, năng suất cao.
Kỹ sư “chân đất”
Cùng với làm giàu trên chính thửa vườn gia đình mình, anh Triển còn nổi tiếng là kỹ sư “chân đất” đã nghiên cứu sáng chế ra hệ thống phun nước và phun xịt thuốc tự động có tính năng điều khiển bằng điện thoại thông minh.
Nói về ý tưởng làm hệ thống phun nước tự động, anh Triển hào hứng nhớ lại: “Với 8.000m2 vườn trồng cây ăn trái của gia đình tôi, nếu tưới thủ công, phải mất cả ngày bơm tưới nước mới xong, chưa nói là mương nước lau sậy, cỏ lác, đẩy chẹt để bơm nước rất khó khăn. Còn việc phun xịt thuốc phải thuê 2-3 nhân công làm mới xuể, nhưng không phải lúc nào cũng có nhân công để thuê. Chi phí điện cho bơm nước, thuê nhân công lại rất tốn kém. Từ đó tôi có ý tưởng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thay thế sức người”.
Năm 2013, anh Triển bắt đầu mua máy bơm, các loại ống nhựa, béc tưới, hệ thống van, nghiên cứu làm thử nghiệm nhiều lần, từ từ rút kinh nghiệm để hoàn thiện. Kết quả là sau 5 tháng miệt mài nghiên cứu, làm thử nghiệm, anh đã thành công với sáng chế hệ thống tưới nước tự động, triển khai lắp đặt trên toàn bộ 8.000m2 vườn của gia đình. Hệ thống tưới nước tự động được thiết kế theo mô hình kết nối các ống nhựa dọc các hàng cây trồng và gắn với hệ thống ống chính được nối với máy bơm nước 3 ngựa tại mương chính. Các trục ống chính chôn dưới đất ở độ sâu 0,5m, hệ thống ống phụ kết nối với ống chính đưa lên khỏi mặt đất 1,5m. Sau khi bật hệ thống điện, máy bơm sẽ đẩy nước từ ống chính chạy dọc theo hệ thống ống nối đến các trục tưới rồi lan tỏa ra đồng đều làm ướt gốc cây.
Năm 2014, anh Triển tình cờ làm quen với một người em quê ở tỉnh Sóc Trăng, là kỹ sư công nghệ thông tin. Qua bàn bạc, anh Triển và kỹ sư trẻ này đã phối hợp nghiên cứu, thực hiện thành công kỹ thuật kết nối điều khiển hệ thống tưới nước tự động của mình bằng điện thoại thông minh. Theo anh Triển, sử dụng hệ thống tưới nước tự động, lượng nước tưới đều hơn, giúp cây trồng hấp thụ nước tốt, tránh tình trạng thiếu nước. Bằng hệ thống tưới nước tự động mỗi năm giúp gia đình anh đã tiết kiệm được 30 triệu đồng tiền điện bơm nước và thuê nhân công so với tưới cây thủ công.
Năm 2014, anh Triển còn nghiên cứu và sáng chế ra mô hình phun xịt thuốc tự động cho vườn cây ăn trái của mình. Ðiểm khác so với hệ thống tưới nước tự động là hệ thống phun xịt tự động trục ống chính nằm ngay trên mặt đất, mỗi cây có 3 ống phụ (1 ống kéo trên ngọn cây, 2 ống kéo lửng ngang giữa thân cây); ống chính gắn với bồn pha thuốc; hệ thống ống lớn hơn để tránh tắc khi vận hành. Hệ thống này ngoài phun xịt thuốc còn sử dụng xịt nước lên toàn bộ từ gốc đến ngọn cây làm mát, rửa sương muối, rửa nước mưa cho cây khi cần thiết. Mặt khác, khi phun xịt thuốc, cả hệ thống vận hành cùng một lúc trên diện tích lớn nên việc tiêu diệt và đuổi sâu, nhện, ruồi hại cây hiệu quả hơn, làm cho chúng không có nơi trú ẩn. Anh Triển chia sẻ: “Hệ thống phun xịt thuốc tự động giúp gia đình tôi tiết kiệm chi phí phân, thuốc, thuê nhân công phun xịt thủ công trên 50 triệu đồng”.
Từ thành công sáng chế mô hình tưới nước và phun xịt phân thuốc tự động, anh Triển được Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận bản quyền. Từ năm 2014 đến nay, anh Triển đã lắp đặt trên 600 hệ thống phun, tưới cho nhà vườn trong TP Cần Thơ, các tỉnh vùng ÐBSCL, miền Ðông, thậm chí ra tận tỉnh Hải Dương, mỗi năm anh thu lời được 600 triệu đồng đến trên 1 tỉ đồng, riêng năm 2023, hơn 2 tỉ đồng. “Mô hình phun tưới của tôi được nhiều nhà vườn ưa thích là do giá thành hợp lý, đặc biệt là vật tư thi công tốt nên luôn bảo đảm chất lượng, sử dụng bền lâu” - anh Triển khẳng định. Từ mô hình sáng chế này, anh Triển đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng nhiều Bằng khen.