|
  • :
  • :

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng 

Sau 2 năm đại dịch COVID-19, kinh tế của tỉnh Kiên Giang đang trên đà phục hồi, phát triển, giai đoạn 2021-2022, tăng trưởng 5,29%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các tiềm năng, lợi thế trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, du lịch... đang khai thác hiệu quả.

Sản xuất nông lâm, thủy sản tiếp tục tăng

Sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2022 của Kiên Giang tăng 1,2%/năm. Tỉnh tập trung điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tác động của hệ thống thủy lợi sông Cái Lớn - Cái Bé và thực hiện Ðề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất. Ðặc biệt là chuyển dịch từ trồng lúa một vụ năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, phát triển mô hình lúa - tôm; chuyển từ đất chuyên trồng lúa sang tôm - lúa, trồng cây hàng năm và chuyển diện tích lúa vụ mùa (tôm - lúa) sang chuyên nuôi thủy sản.

Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay Kiên Giang triển khai xây dựng 2.193 cánh đồng lớn với diện tích 190.845ha gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và thu hút một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ðẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chuyển đổi giống mới, chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa một số mặt hàng nông sản; các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm ngày càng nhiều và mang lại hiệu quả. Sản lượng lương thực bình quân 4,4 triệu tấn và lúa chất lượng cao chiếm 97,32% năm 2022.

Kiên Giang cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất với mô hình 1 vụ tôm kết hợp trồng vụ lúa cho thu nhập cao.

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình luân canh, sản xuất kinh doanh tổng hợp trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hình thành một số vùng nuôi tôm quảng canh, thâm canh - bán thâm canh, công nghiệp - bán công nghiệp, tôm - lúa, tôm - lúa xen cua, nuôi cá ven các đảo, nuôi các loài nhuyễn thể... mang lại hiệu quả.

Kiên Giang tổ chức lại dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển, vùng ven bờ, vùng làng nghề khai thác hải sản và sắp xếp cơ cấu lại theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển quốc gia và an ninh, an toàn trong vùng biển quốc tế. Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản từ 674.846 tấn năm 2015 tăng lên 821.849 tấn năm 2022; trong đó sản lượng tôm nuôi từ 52.200 tấn năm 2015 tăng lên 319.447 tấn năm 2022. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp từng bước được đầu tư; đồng thời nâng cấp và đưa vào sử dụng các cảng cá và khu neo đậu tránh/trú bão, như Lình Huỳnh, Hòn Tre, An Thới, Xẻo Nhàu. Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về khai thác thủy sản theo cảnh báo của IUU được tăng cường; triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững gắn với chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân.

Thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Kinh tế biển phát triển khá toàn diện, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh. Nhiều giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống nhân dân. Ðến nay, toàn tỉnh đã thu hút 805 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 390.360 tỉ đồng; riêng các huyện, thành phố biển, ven biển có 729 dự án với vốn đăng ký 186.802,97 tỉ đồng. Nhiều dự án, công trình lớn đã được hoàn thành đưa vào sử dụng. Hoàn thành, phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng biển. Tập trung khai thác các cảng, bến khu vực Phú Quốc (Cảng hành khách Quốc tế Dương Ðông), Cảng Hòn Chông (huyện Kiên Lương) và Cảng nước sâu Nam Du (huyện Kiên Hải) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển khu vực phía Tây Nam, Vịnh Thái Lan và các nước ASEAN.

Thực hiện Quyết định số 178/2004/QÐ-TTg, ngày 5-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao có tầm cỡ khu vực và thế giới, từng bước hình thành trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp và giao thương lớn của cả nước, khu vực và thế giới. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách cho Phú Quốc, đã tạo động lực khai thác tiềm năng, thế mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của TP Phú Quốc; thu ngân sách hàng năm đều cao, chiếm gần 50% tổng thu ngân sách tỉnh (khoảng 6.000 tỉ đồng/năm). Nhiều dự án lớn về dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và các dự án phát triển đô thị, bố trí dân cư đã và đang đi vào hoạt động như Vinpearl Land, Vinpearl Safari, cáp treo An Thới - Hòn Thơm, Casino Phú Quốc, JW Marriott Phú Quốc, Emerald Bay... làm thay đổi rõ nét diện mạo của TP Phú Quốc. Việc phát triển Phú Quốc đã kích thích tăng trưởng ngành dịch vụ, thương mại và tạo ra việc làm mới (hàng năm giải quyết trên 4.000 lao động có việc làm ổn định; thu hút 12.000 lao động từ các địa phương khác); thu nhập người dân Phú Quốc khoảng 105 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 0,25% năm 2022.

Tỉnh Kiên Giang đã lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Vùng Tứ giác Long Xuyên đang phát triển khá tốt về du lịch, dịch vụ cảng biển, sản xuất và chế biến nông - thủy sản xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng. Vùng Tây sông Hậu tập trung phát triển nông nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Vùng U Minh Thượng phát triển nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái; bước đầu xuất hiện một số mô hình, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vùng biển đảo phát triển khá mạnh các loại hình dịch vụ - du lịch, đặc biệt là Phú Quốc, Kiên Hải thu hút ngày càng nhiều du khách. Giữa các vùng có sự liên kết về giao thông, viễn thông, du lịch, sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa, giải quyết việc làm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Hữu Toàn cho biết, đang nghiên cứu, xây dựng, triển khai thực hiện Ðề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nổi bật là, tập trung chuyển dịch từ trồng lúa một vụ năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, phát triển mô hình lúa - tôm; chuyển từ đất chuyên trồng lúa sang tôm - lúa, trồng cây hàng năm; chuyển diện tích lúa vụ mùa (tôm - lúa) sang chuyên nuôi thủy sản. Ðặc biệt là chỉ đạo sản xuất lúa 3 vụ và hiện đang gieo trồng gần 705.000ha; trong đó: vụ mùa và đông xuân 349.583ha; vụ hè thu 278.178ha; vụ thu đông 77.180ha. Triển khai xây dựng 2.193 cánh đồng lớn với diện tích 190.845ha gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sản lượng lương thực đạt 4,4 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao chiếm gần 98%.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/co-cau-kinh-te-chuyen-dich-dung-huong-a164144.html