|
  • :
  • :

Chủ động ứng phó với hạn mặn đến sớm để không ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp 

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa mưa năm nay sẽ kết thúc sớm vào giữa tháng 11. Kèm theo đó là hạn, mặn xuất hiện vào tháng 12, sớm hơn trung bình nhiều năm 1 tháng. Hiện, các địa phương khẩn trương ứng phó không để ảnh hưởng sản xuất…

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phát huy tốt điều tiết nguồn nước mặn, lợ và ngọt cho 384.000ha đất tự nhiên ở Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu...

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phát huy tốt điều tiết nguồn nước mặn, lợ và ngọt cho 384.000ha đất tự nhiên ở Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu...

Sản xuất sớm, tránh thiệt hại

Mấy ngày nay, vợ chồng anh Lâm Văn Hiệp, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) đã vệ sinh xong 25 công ruộng và sẵn sàng gieo sạ lúa đông xuân 2023-2024 khi nước lũ bắt đầu rút. Anh nói, năm nay lúa được giá cao, trong đó vụ thu đông vừa rồi bà con bán tới 8.200-9.000 đồng/kg, cao kỷ lục từ trước đến nay nên nhà nào cũng phấn khởi vì thu lời nhiều. “Lúa được giá và dễ tiêu thụ do đó nông dân quan tâm đầu tư hơn. Vì vậy, khi nghe chính quyền địa phương thông báo vụ đông xuân sẽ xuống giống sớm vào giữa tháng 11 nhằm né hạn, mặn và đảm bảo năng suất cao thì bà con đồng tình ngay”, anh bộc bạch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, vụ đông xuân tới sẽ sản xuất 281.000ha, sản lượng ước đạt hơn 2,3 triệu tấn (cao nhất cả nước); do địa bàn của tỉnh có nhiều vùng khác nhau (như ngập lũ không sâu, ngập lũ sâu - nước rút chậm, vùng ven biển…) nên việc sản xuất được tính toán hợp lý vừa để né hạn mặn, vừa né rầy nâu và phải đạt hiệu quả cao. Cụ thể, tỉnh sẽ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nhằm rút ngắn thời gian gieo sạ; đồng thời triển khai các giải pháp thủy lợi phòng chống hạn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô vào cuối năm 2023, đầu năm 2024...

Chỉ chúng tôi cánh đồng lúa rộng khoảng 1.000ha, ông Nguyễn Văn Ðời, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp) cho hay, những năm qua HTX tích cực đầu tư máy móc, trạm bơm… Do đó, giữa tháng 11-2023, chúng tôi sẽ bơm nước toàn bộ cánh đồng và gieo sạ đồng loạt chỉ 2-3 ngày là xong hết. Ngoài việc chủ động sản xuất sớm để tránh hạn hán có thể làm ảnh hưởng, thì hầu hết bà con xã viên đều chọn giống lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Chúng tôi chủ động thích ứng với diễn biến bất thường của thời tiết để có thể đạt mục tiêu “trúng mùa - trúng giá”.

Là địa phương thường xuyên chịu tác động của hạn, mặn về sớm khiến hàng chục ngàn héc-ta lúa và cây ăn trái bị ảnh hưởng nặng mỗi khi tới mùa khô. Tuy nhiên, năm nay tỉnh Tiền Giang đã chủ động nhiều giải pháp thích ứng phù hợp. Theo đó, trong 44.760ha lúa đông xuân sẽ được xuống giống đồng loạt từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12. Tỉnh khuyến cáo nông dân đẩy mạnh sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, mặn tốt. Bên cạnh đó, chuyển đổi gần 830ha lúa ở nơi thiếu nước tưới sang trồng các loại cây khác phù hợp hơn. Ngành Nông nghiệp cũng sẽ tập huấn cho người dân các biện pháp chăm sóc cây trồng vào mùa hạn, mặn; khuyến cáo tăng cường sử dụng phân hữu cơ, trung vi lượng để tăng khả năng chống chịu của cây trồng; áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm vào mùa khô…

Giải pháp “đường dài” căn cơ

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tháng 10 và tháng 11-2023, tổng lượng mưa trong vùng ở mức thấp từ 10-20% so trung bình nhiều năm; trong khi tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong về hạ lưu ÐBSCL năm nay cũng thấp 10-20%. El Nino có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024 với xác suất khoảng từ 80-90%. Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn, một số thời điểm tương đương năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho hay, đang kiểm tra các công trình ngăn mặn, củng cố hệ thống đê bao, đắp thêm các đập ngăn mặn, trữ ngọt; phối hợp với tỉnh Long An vận hành công trình kiểm soát mặn triệt để từ hướng sông Vàm Cỏ Tây. Ngoài ra, nhiều kỹ sư và công nhân của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) đang đẩy nhanh tiến độ thi công cống Nguyễn Tấn Thành - dự án ngăn mặn và điều tiết nguồn nước quan trọng, với kinh phí đầu tư khoảng 500 tỉ đồng, đây là công trình căn cơ, lâu dài. Dự kiến cống này sẽ lắp đặt cửa vận hành tạm thời vào tháng 2-2024 để ngăn mặn, trữ ngọt nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi chủ động vận hành sớm 55 cống ven biển Rạch Giá - Kiên Lương và ven sông Cái Bé, cùng 35 cống của dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No, 17 cống ở vùng U Minh Thượng; đồng thời chủ động đắp 37 đập đất ở các nơi chưa hoàn thiện cống ngăn mặn thuộc các huyện An Biên, An Minh và Giang Thành nhằm kiểm soát tốt nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cho người dân. Phối hợp với Bộ NN&PTNT đánh giá tác động và hiệu quả ban đầu của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (vốn đầu tư 3.300 tỉ đồng, được khánh thành tháng 3-2022 nhằm điều tiết nguồn nước mặn, lợ và ngọt cho 384.000ha đất tự nhiên ở Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu).

Kết quả vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé đã giúp các mô hình sản xuất trước đó vẫn ổn định và phát huy hiệu quả so với sản xuất độc canh; trong đó một số mô hình tiêu biểu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 6,8 triệu đồng đến 71 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường. Theo Bộ NN&PTNT, trước diễn biến thời tiết cực đoan và hạn, mặn ngày càng phức tạp thì chính các công trình thủy lợi trọng điểm của vùng như cống Cái Lớn - Cái Bé đã phát huy tác dụng rất tốt trong chuyển đổi tư duy sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu…

Cần thấy rằng, trong mùa khô năm 2015-2016, có 10 tỉnh, thành ở ÐBSCL phải công bố thiên tai do hạn, mặn gây ra với tổng mức thiệt hại tới 7.900 tỉ đồng. Ðến mùa khô năm 2019-2020, dù hạn, mặn được nhận định phức tạp, nhưng nhờ dự báo sớm nên các địa phương triển khai tốt nhiều giải pháp chủ động phòng chống, vì vậy chỉ có 58.400ha lúa thiệt hại, bằng 14% so năm 2015-2016; diện tích cây ăn trái bị thiệt hại và số hộ dân thiếu nước sinh hoạt cũng giảm nhiều so với năm 2015-2016. “Cùng với các công trình thủy lợi mới đầu tư được đưa vào khai thác, cộng với chủ động ứng phó sớm, bố trí sản xuất hợp lý… sẽ là cơ sở để các địa phương an tâm trong ứng phó với hạn, mặn tới đây”, Bộ NN&PTNT - nhận định.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, một trong những cái mới của năm nay là TP Cần Thơ cơ bản hoàn thiện các công trình phòng chống hạn, mặn nên rất an tâm. Từ đó, sẽ chủ động sản xuất sớm hoặc thích ứng một cách phù hợp. Ngoài ra, TP Cần Thơ tiếp tục phát huy mô hình liên kết nhằm ổn định từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện trong từng vụ sẽ thực hiện 140 mô hình cánh đồng lớn, với diện tích 36.075ha, khoảng 23.232 hộ tham gia. Cánh đồng lớn được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 50-150 đồng/kg; từ đó giúp lợi nhuận tăng thêm 1,2-2,8 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các huyện còn xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực và hình thành các sản phẩm đặc trưng có thương hiệu với 11.880ha, sản lượng trên 135.000 tấn mỗi năm. Những cách làm mới này sẽ giúp ngành Nông nghiệp dễ dàng trong ứng phó với thời tiết cực đoan, bảo vệ sản xuất tốt hơn và là hướng đi bền vững của nông nghiệp hiện đại…

Nguồn: https://baocantho.com.vn/chu-dong-ung-pho-voi-han-man-den-som-de-khong-anh-huong-san-xuat-nong-nghiep-a166314.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin