Nông dân ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ làm đất chuẩn bị sản xuất lúa vụ đông xuân 2021-2022.
Ðến nay, các địa phương vùng Nam Bộ đã gieo trồng hơn 300.000ha lúa vụ đông xuân 2021-2022. Ðể đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương chủ động đẩy sớm thời vụ gắn bố trí cơ cấu giống phù hợp và vận hành tốt các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn, nhất là khi mùa khô tới đây hạn và mặn được dự báo xuất hiện sớm. Hướng dẫn nông dân chủ động quản lý, phòng tránh các đối tượng dịch hại và sâu bệnh để đảm bảo năng suất, sản lượng và chất lượng lúa. Theo Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn đầu vụ đông xuân, nông dân và ngành Nông nghiệp các địa phương cần chú ý các sinh vật gây hại là ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu, sâu năng và cỏ dại. Còn trong giai đoạn giữa vụ và cuối vụ chú ý các đối tượng như: rầy nâu, sâu năng, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, lem lép hạt... Ðể quản lý tốt các sinh vật gây hại, ngành Nông nghiệp các địa phương cần tăng cường công tác dự tính dự báo, điều tra phát hiện và theo dõi sát tình hình sản xuất và phát sinh của các loại dịch hại để hướng dẫn nông dân phòng, trừ kịp thời, hiệu quả. Khuyến cáo nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy và thực hiện tốt việc vệ sinh đồng ruộng và làm đất sau khi thu hoạch lúa vụ thu đông 2021, cũng như đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ lúa để cách ly các nguồn sâu bệnh. Tăng cường công tác thông tin, cảnh báo sinh vật gây hại, tập huấn phổ biến quy trình phòng trừ dịch hại và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái... để giúp nông dân vừa chủ động phòng tránh được nhiều sinh vật gây hại, vừa giảm chi phí sản xuất lúa.