Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy.
Lúa phát triển tốt
Diện tích xuống giống gieo trồng lúa thu đông 2023 trên địa bàn TP Cần Thơ đã tăng đáng kể so với cùng kỳ và vượt so với kế hoạch đề ra ban đầu. Nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuống giống dứt điểm lúa vụ thu đông, với diện tích đạt 68.231ha, cao hơn 1.392ha so với cùng kỳ năm trước, đạt 113% so với kế hoạch. Với mong muốn có thể gia tăng sản xuất nhằm cải thiện thu nhập, nhất là khi gần đây giá lúa bán được giá cao, nông dân tại nhiều địa phương đã tích cực phát triển sản xuất lúa vụ 3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng có chủ trương khuyến khích các địa phương có điều kiện tại ÐBSCL mở rộng diện tích sản xuất lúa thu đông 2023, tạo điều kiện cải thiện thu nhập cho nông dân và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước từ xuất khẩu gạo.
Lúa thu đông ở Cần Thơ phát triển khá tốt, ít sâu bệnh và có nhiều trà lúa giai đoạn trổ, chắc xanh, chín và chuẩn bị thu hoạch. Dù vậy, nông dân vẫn còn lo tình hình thời tiết và mưa bão diễn biến phức tạp, đe dọa gây hại lúa, nhất là khi gần đây liên tục xảy ra các cơn bão trên biển Ðông và có ảnh hưởng đến nước ta. Ông Nguyễn Ngọc Ðông ở ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: "Vụ này, 15 công lúa của tôi sạ giống OM 5451 và lúa đã trổ đều, ít sâu bệnh và đang bước vào giai đoạn chắc xanh. Ruộng lúa của tôi nằm trong vùng có đê bao khá đảm bảo và năm nay lũ dự báo về trễ và ở mức thấp so mọi năm nên tôi không lo lũ. Tuy nhiên, mùa này trời thường xuyên có mưa to gió lớn, lúa dễ bị đổ ngã và ngập úng nên phải chủ động thăm đồng thường xuyên ứng phó kịp thời". Ông Lê Quang Tiến ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, có 3 héc-ta lúa sạ giống OM 5451 đã trổ đều, cho biết: "Lúa đã có thương lái đặt mua lúa tươi với giá 7.000 đồng/kg và dự kiến khoảng 1 tháng nữa thu hoạch. Ðể tránh nguy cơ lúa bị thiệt hại do mưa bão, hiện tôi đi thăm ruộng thường xuyên và chủ động tiêu thoát nước cho ruộng nhằm giúp cây lúa chắc khỏe và nền ruộng không bị sình lầy khi thu hoạch". Theo ông Mai Thanh Sơn ở khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, vụ này có 1,2ha lúa sản xuất lúa phục vụ làm giống theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và được bao tiêu với giá hơn 8.000 đồng/kg nên rất an tâm về đầu ra và chỉ lo tập trung chăm sóc tốt cho ruộng lúa. Vụ này, thời tiết có nhiều bất lợi và một số loại dịch hại còn diễn biến phức tạp nên ông cũng chú ý thăm đồng thường xuyên và bón phân cân đối theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp để lúa ít bị sâu bệnh và đổ ngã.
Hỗ trợ nông dân
Ðể hỗ trợ người dân sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông 2023, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cùng các cấp chính quyền tại các địa phương đã theo dõi sát tình hình sản xuất và diễn biến của thời tiết, mưa lũ và sâu bệnh để kịp thời có các khuyến cáo, hỗ trợ người dân chủ động trong sản xuất. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tích cực khuyến cáo, hướng dẫn các giải pháp nhằm ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết và chủ động phòng trừ các loại dịch hại. Quan tâm kiểm tra, thúc đẩy các địa phương thực hiện tốt công tác thủy lợi. Hướng dẫn nông dân áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa. Ngành chức năng tại các địa phương vận động, hướng dẫn nông dân chủ động gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, xung yếu, đề phòng tình trạng ngập lũ, sạt lở đất.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Các trà lúa thu đông trên địa bàn thành phố đang phát triển tốt, dự kiến năng suất lúa có khả năng đạt từ mức tương đương và cao hơn so cùng kỳ năm trước. Giá lúa đang ở mức cao, nông dân rất mừng và tích cực đầu tư, chăm sóc lúa. Ðể giúp nông dân giảm chi phí và giảm các rủi ro, Chi cục đã và đang tích cực khuyến cáo nông dân không vì giá lúa tăng mà tăng bón phân cho lúa một cách quá mức. Thay vào đó, cần bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo đúng các nguyên tắc kỹ thuật đã được ngành khuyến cáo. Chú ý bón phân hợp lý và phun thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng" để sâu bệnh không có các điều kiện thuận lợi để bộc phát, cũng như làm tăng chi phí sản xuất và tác động xấu đến môi trường. Giảm giống, giảm các loại vật tư đầu vào ngay từ đầu vụ thông qua việc đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các gói kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng","1 phải, 5 giảm"... vào sản xuất".
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, không được chủ quan bởi thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan do biến đổi khí hậu, đặc biệt các đợt mưa lưu lượng lớn kèm theo giông gió mạnh xảy ra tương đối phổ biến và triều cường cũng diễn biến phức tạp. Với điều kiện thời tiết có nhiều bất lợi, nhất là giai đoạn thu hoạch lúa, ngành Nông nghiệp các địa phương cùng với nông dân cần hết sức quan tâm việc kết nối, bố trí phương tiện các máy móc phục vụ thu hoạch lúa gắn với phát quang cây cỏ, tạo thông thoáng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng để chuyển lúa tươi đến nơi tiêu thụ, sấy và chế biến đảm bảo chất lượng. Trong điều kiện lúa bán được giá cao, các địa phương cũng hết sức lưu ý khuyến cáo nông dân không được lạm dụng phân bón để tăng năng suất lúa. Cần theo dõi sát tình hình thời tiết và thăm đồng thường xuyên, sử dụng phân bón và thuốc BVTV đúng cách để hạn chế lúa bị đổ ngã và sâu bệnh, cũng như đảm bảo chất lượng, an toàn cho sản phẩm lúa gạo. Chủ động chuẩn bị máy bơm nước cho ruộng lúa để ứng phó tình huống mưa lớn và triều cường dâng cao. Thực hiện tốt các hợp đồng liên kết, tiêu thụ lúa trên tinh thần chia sẻ lợi ích và rủi ro để giữ mối liên kết lâu dài...