Những năm gần đây, cây chè cổ thụ, trong đó có chè cổ thụ Pu Ta Leng được các cấp chính quyền và người dân Lai Châu quan tâm, chăm sóc và phát triển, qua đó góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu chè Lai Châu.
Chè cổ thụ Pu Ta Leng hàng trăm năm tuổi - kho báu ẩn dấu trên đại ngàn
Nếu như cây chè cổ thụ ở Sà Dề Phìn là một viên ngọc quý trên độ cao 1.700m so với mực nước biển, là sản phẩm kết tinh của sương gió và núi rừng thì vùng chè cổ thụ trên đỉnh Pu Ta Leng, xã Tả Lèng (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) là một báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Cây chè rừng ở đây được hấp thụ tinh hoa, nhật nguyệt đất trời từ hàng trăm năm ở độ cao 2.500m.
Theo lời kể của những cao niên người Mông ở Pu Ta Leng, nhiều năm trước bà con sống quanh đỉnh Pu Ta Leng cũng không biết đến sự tồn tại của cây chè này, chỉ đến khi hoa chè rơi xuống đất rừng thì cây chè cổ mới được phát hiện. Nằm sâu trong rừng nguyên sinh, cây chè cổ Pu Ta Leng ẩn mình trong màn sương dày quanh năm, những cây chè cao từ 8 – 20m, thân cây to xù xì, rêu phong, cành nhánh có xu thế vươn lên cao đón nắng.
Được biết, vùng chè cổ Pu Ta Leng và vùng chè cổ Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) là 2 vùng chè cổ lâu năm được Công ty Cổ phần đâu tư phát triển chè Tam Đường bảo tồn, quản lý và phát triển, đồng thời đầu tư những quy trình, công nghệ sản xuất hiện đại nhất từ Nhật Bản, Đài Loan, cùng với đội ngũ chuyên gia am tường với nhiều năm kinh nghiệm tạo ra những sản phẩm đáp ứng quy định khắt khe của thực phẩm hữu cơ nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc của chè rừng cổ thụ.
Bảo tồn và phát triển Chè cổ thụ Pu Ta Leng
Chè cổ Pu Ta Leng được chế biến bởi bàn tay của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, tạo ra một hương vị đặc biệt, vị trà thanh mát, hương thơm nồng đậm để lại dư âm ngọt ngào lưu giữ mãi trong khoang miệng người thưởng trà.
Thời gian gần đây, những hương vị đặc trưng của cây chè cổ thụ Pu Ta Leng đã đươc người yêu trà khắp thế giới biết đến như thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á... qua đó góp phần quảng bá văn hoá địa phương, văn hoá Việt Nam ra toàn thế giới.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử về những chính sách trong những năm qua đối với vùng chè nguyên liệu nói chung và cây chè cổ nói riêng, ông Tống Văn Dương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị chè cổ thụ, những năm qua tỉnh Lai Châu đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống, phân bón. Cùng với đó, ban hành nhiều cơ chế ưu đãi thu hút kêu gọi các doanh nghiệp đến khảo sát, liên kết với người dân bản địa để sản xuất chè cổ thụ. Trong đó, chú trọng tập trung vào khâu chế biến sâu, nhằm tạo ra sản phầm chè cổ chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Được biết, diện tích chè cổ thụ và chè trồng lâu năm đang được tỉnh Lai Châu quy hoạch, tạo thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất hàng hoá, quản lý chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Nhờ đó, không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp, bảo tồn và phát huy các giá trị các vùng chè cổ thụ trên địa bàn tỉnh Lai Châu trong tương lai sẽ tạo ra các sản phẩm nông sản đặc hữu của địa phương mang lợi thế cạnh tranh cao, cũng như phục vụ phát triển du lịch vùng chè.
Định hướng đến năm 2025, việc bảo tồn và phát triển cây chè cổ thụ trên địa bàn tỉnh Lai Châu là trên 300ha, đây là một trong những mục tiêu được tỉnh Lai Châu quyết tâm thực hiện, nhằm phát huy hơn nữa giá trị của cây chè cổ thụ tại địa phương. Từ đó cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như bảo tồn phát triển và khai thác bền vững vùng chè cổ thụ vốn quý của núi rừng Lai Châu.