Bắt đầu câu chuyện về hành trình đưa cây chanh không hạt bén rễ trên vùng đất đầy nắng, gió Ninh Thuận, anh Hiển bộc bạch, hai vợ chồng anh quê ở tỉnh Lâm Đồng xuống dưới đây lập trang trại, anh đến với ngành nông nghiệp cũng là "tay ngang" bởi trước đây cả hai vợ chồng làm rất nhiều nghề từ buôn bán, xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, làm đồ mỹ nghệ. Khi bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp, anh từng trồng nhiều loại cây nông sản khác nhau nhưng hiệu quả không như mong muốn. Qua thời gian nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và tìm hiểu thị trường, anh Hiển vào miền Tây học hỏi mô hình trồng chanh không hạt để xuất khẩu theo hướng bền vững.
Sau khi nắm vững quy trình sản xuất, năm 2019 anh Hiển đưa cây chanh không hạt về trồng tại Ninh Thuận với diện tích 27 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Anh Hiển chia sẻ, đi theo hướng xuất khẩu thì sản phẩm phải đáp ứng hai yếu tố cơ bản là đạt yêu cầu về chất lượng và sản lượng vùng nguyên liệu phải tương đối lớn. Mỗi ha chanh gia đình anh đầu tư khoảng 200 triệu đồng, cây chanh không hạt được trồng theo hàng với mật độ 400 cây/ha và được phân thành từng lô để dễ chăm sóc, thuận tiện đưa máy móc vào quá trình canh tác, thu hái cũng như theo dõi, đánh giá chất lượng sản phẩm từng lô sau khi thu hoạch.
Việc thâm canh cây chanh được anh Hiển thực hiện theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên sản lượng và chất lượng luôn đạt cao, một cây chanh không hạt cho thu từ 150 – 200 kg quả mỗi năm. Hiện nay, nông trại của anh Hiển đã ký hợp đồng với công ty tại thành phố Cần Thơ chuyên thu mua chanh không hạt xuất khẩu sang thị trường Hà Lan nên đầu ra và giá cả luôn ổn định. Bình quân mỗi 1 ha chanh của trang trại cho doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, qua kiểm tra, mô hình nông trại trồng chanh tươi không hạt của trang trại Ngọc Hiển là một mô hình mới cho giá trị kinh tế cao. Khi trang trại xây dựng mô hình này đã thực hiện đúng theo các quy trình về giống cây, xử lý bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác như sử dụng các loại phân hữu cơ, ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học để phòng trừ các đối tượng dịch hại. Bên cạnh đó, có các khu vực riêng để chứa các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật riêng, có ghi chép nhật ký sản xuất trên đồng ruộng.
"Để tạo điểu kiện cho trang trại phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chanh tươi không hạt phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Anh, Nga..., Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn trang trại và công ty liên kết thu mua sản phẩm chanh tươi không hạt đăng ký mã số vùng trồng và chúng tôi đã đánh giá, hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đăng ký và xin cấp mã số vùng trồng của trang trại Ngọc Hiển. Sau khi được cấp mã số vùng trồng sẽ tạo điều kiện cho trang trại trong việc tổ chức sản xuất, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm chanh tươi không hạt được tốt hơn với mục đích tạo ra sản phẩm sạch, an toàn để đem lại doanh thu và giá trị tăng trưởng cao hơn, góp phần phát triển các sản phẩm nông sản chất lượng cho ngành nông nghiệp của địa phương", ông Dũng cho hay.
Chuyển đổi mô hình sản xuất kém hiệu quả sang trồng chanh tươi không hạt đã giúp vợ chồng anh Dương Đình Hiển có cơ hội làm giàu. Những thùng chanh đưa đi xuất khẩu đã mang lại mùa quả ngọt cho trang trại và mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người nông dân ở tỉnh Ninh Thuận trong thời gian đến.