Lãng phí 3,9 triệu tấn chất thải rắn và 2.600 triệu lít nước thải/năm
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, toàn TP có tổng đàn trâu 28 nghìn con, đàn bò 130 nghìn con, sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt 980 tấn, thịt bò đạt 5.393 tấn; đàn lợn 1,38 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 113,8 nghìn tấn; đàn gia cầm 39,7 triệu con, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 81 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 1.348 triệu quả.
TP hiện có 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa; 19 xã chăn nuôi bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn; 29 xã chăn nuôi gia cầm; 5.351 trại/trang trại chăn nuôi lớn, vừa, nhỏ ngoài khu dân cư, trong đó có 81 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Theo số liệu thống kê, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động chăn nuôi khoảng 3,9 triệu tấn/năm, hoạt động giết mổ trên 20 nghìn tấn/năm và hơn 2.600 triệu lít nước thải/năm từ hoạt động chăn nuôi ra môi trường gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước và không khí...
Thực hiện chủ trương của TP về việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, Trung tâm khuyến nông Hà Nội đã tham mưu, xây dựng và triển khai nhiều dạng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, có tính cạnh tranh, góp phần vào việc phát triển chăn nuôi bền vững, tạo ra các sản phẩm an toàn chất lượng có thương hiệu, phát triển chuỗi liên kết, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay.
Nổi bật trong đó là phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, là hoạt động sản xuất theo chu trình khép kín, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm... làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc ứng dụng công nghệ sinh học, chẳng hạn xử lý chất thải chăn nuôi thành nguồn phân bón hữu cơ sử dụng bón cho cây trồng.
Đối với chăn nuôi bò, giai đoạn 2017 - 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản, với tổng quy mô 595 con với 377 hộ tham gia tại nhiều huyện như: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Sóc Sơn...
Năm 2023, triển khai mô hình với quy mô 200 con bò sinh sản. Mô hình triển khai với bò cái nền sinh sản LaiSind, lai Brahman trên các vùng miền núi, các vùng chăn nuôi trọng điểm giàu thức ăn xanh phù hợp cho chăn nuôi bò, đặc biệt chăn nuôi bò sinh sản tạo đàn cái nền cho địa phương, giúp tăng đàn một cách nhanh chóng, góp phần chủ động con giống đáp ứng nhu cầu tại địa phương. Một số địa phương như huyện Ba Vì, Gia Lâm phát triển trồng cỏ và ứng dụng kỹ thuật bảo quản, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm công nghiệp làm thức ăn cho bò, đảm bảo đủ nguồn thức ăn vào mùa đông, hạ giá thành sản xuất tăng hiệu quả kinh tế mô hình.
Chăn nuôi lợn tăng hiệu quả kinh tế 15 - 20%
Đối với chăn nuôi gà, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai 5 dạng mô hình như: Chăn nuôi gà thịt theo hướng ATSH, Ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà thả vườn, Sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, Chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm với tổng quy mô 330.000 con với 379 hộ tham gia tại nhiều huyện vùng đồi gò vườn thả rộng như huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ...
Các dạng mô hình chăn nuôi gà thả vườn đã lựa chọn giống gà mía Sơn Tây nhằm góp phần vào việc bảo tồn, phát triển giống gà mía bản địa có chất lượng thịt thơm ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Kết quả của các mô hình đạt được: đàn gà có tỷ lệ sống cao đạt trên 95%, ít bị dịch bệnh, đàn gà sinh trưởng phát triển tốt cho lợi nhuận từ 40-50 nghìn đồng/con, cao hơn 15-20% so với nuôi thông thường. Việc sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược trong chăn nuôi theo hướng hữu cơ giúp đàn gà khỏe mạnh, ít bị bệnh, sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế việc dùng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót độn chuồng giúp giảm mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường, các chất thải chăn nuôi gia cầm đều được thu gom và ủ hoai mục để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng tại địa phương hoặc bán cho thương lái.
Đối với chăn nuôi lợn, đã triển khai các mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng thức ăn vi sinh (năm 2018); Chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học (năm 2021) với tổng quy mô 750 con với 25 hộ tham gia tại các huyện: Sơn Tây, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Đông Anh, Gia Lâm; Mô hình sử dụng thức ăn vi sinh nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, giúp chăn nuôi lợn có đầu ra ổn định từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội.
Trong 3 năm 2020 - 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ triển khai dự án mô hình sử dụng hệ thống bể 4 ngăn để xử lý chất thải, sản xuất phân hữu cơ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trong chăn nuôi lợn tại huyện Ba Vì với quy mô 6 hệ thống. Mục tiêu xây dựng mô hình sử dụng hệ thống bể 4 ngăn để xử lý, thu gom chất thải sử dụng chế phẩm sinh học để sản xuất phân hữu cơ nhằm giảm ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trong chăn nuôi, nâng cao kiến thức cho người dân về xử lý chất thải chăn nuôi.
Thông qua các mô hình, nông dân đã tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, phát triển chuỗi liên kết, nhờ đó tăng hiệu quả kinh tế từ 15-20% so với chăn nuôi lợn truyền thống.
Bên cạnh đó, các hộ đã biết tận dụng các chất thải, phế phụ phẩm quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, giảm lãng phí, thất thoát và giải quyết được vấn đề chất thải trong chăn nuôi một cách hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường.