Thu mua gương sen tại cơ sở thu mua của anh Trần Quốc Phong ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Ở Cần Thơ, cây sen đã được nông dân phát triển trồng tại nhiều quận, huyện như Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Ðỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh. Sen được nông dân trồng chủ yếu để lấy gương sen, chứ ít trồng các giống sen để lấy hoa, lấy ngó hay củ sen. Gương sen già (sen lụa) là nguyên liệu đầu vào để các cơ sở và doanh nghiệp tách lấy hạt sen và chế biến các sản phẩm từ hạt sen phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nên thị trường có nhu cầu rất lớn. Gương sen lúc còn non cũng được nhiều tiểu thương và cơ sở thu mua để bán ra cho những người tiêu dùng có nhu cầu thưởng thức món hạt sen non ăn sống. Nhờ trồng sen lấy gương mà nhiều nông hộ đã có nguồn thu nhập khá tốt.
Gia đình anh Lý Ðinh Hiếu Nghĩa ngụ ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ đang có 2ha trồng sen. Theo anh Nghĩa, gia đình anh đã tham gia trồng sen lấy gương được khoảng 15 năm nay và mô hình này đã giúp gia đình anh có thể nâng cao thu nhập gấp nhiều lần so với trước đây trồng lúa. Nhìn chung, cây sen khá dễ trồng và chi phí đầu tư ban đầu cũng tương đối thấp. Ðặc biệt, cây sen có thể trồng và cho hiệu quả kinh tế cao tại những vùng ao hồ và đất trũng thấp không phù hợp trồng lúa và các loại rau màu khác. Anh Nghĩa cho biết: "Chi phí đầu tư ban đầu để trồng sen không quá lớn chủ yếu là tiền để mua sen giống và gia cố hệ thống bờ bao. Ðể trồng 2ha sen, tôi chỉ tốn chi phí đầu tư ban đầu khoảng 5,5 triệu đồng. Sau thời gian trồng khoảng 3,5 tháng là sen cho thu hoạch gương sen và thời gian thu hoạch có thể kéo dài liên tục trong nhiều tháng sau đó. Mỗi héc-ta sen có thể giúp tôi kiếm lời bình quân từ 120-200 triệu đồng/năm, thậm chí có năm đạt trên 300 triệu đồng nếu sen liên tục bán được giá cao như trong năm 2022 vừa qua".
Ông Nguyễn Ngọc Hiền ngụ ấp Thới Hữu, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: "Ðã tham gia trồng sen 2 năm nay và đang có 12 công đất trồng sen lấy gương. Khi trồng loại cây này, nông dân có thu nhập quanh năm, còn trồng lúa tới mùa mới có lúa bán. Cây sen cũng cho năng suất, sản lượng và giá bán sản phẩm cao hơn lúa nên nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập. Bình quân mỗi công đất trồng sen tôi có thể kiếm lời khoảng 15 triệu đồng/công/năm, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, trồng sen lấy gương đòi hỏi phải tốn nhiều công sức để thu hoạch sản phẩm". Theo nông dân trồng sen, hiện chủ yếu trồng 2 giống sen phục vụ trồng lấy gương là giống sen Thái Lan và giống sen Ðài Loan, trong đó giống sen Thái Lan được nhiều nông dân chọn trồng nhiều hơn do cho gương đẹp và đạt năng suất cao. Giá sen giống hiện ở mức khoảng 2.000 đồng/cây và thường mỗi công đất nông dân trồng khoảng 80-100 cây sen giống. Mỗi công đất trồng sen có thể cho thu hoạch gương sen đạt từ 700-800 kg/vụ.
Hiện nay, nông dân trồng sen có thể dễ dàng tiêu thụ sản phẩm gương gen nhờ có nhiều thương lái đến tận nhà để thu mua và trên địa bàn thành phố cũng đã hình thành một số cơ sở và điểm thu mua gương sen. Tuy nhiên, đa phần các diện tích trồng sen của nông dân đều chưa có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp, đầu ra sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Giá gương sen còn bấp bênh theo mùa hoặc theo thời điểm nông dân tại các địa phương trồng ít hay nhiều. Thời gian qua, giá gương sen có lúc chỉ ở mức 7.000-10.000 đồng/kg nhưng có lúc lên đến 60.000-70.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Thu nhập từ trồng sen có lúc rất cao nhưng có lúc cũng khá thấp nên nông dân chưa an tâm gắn bó với cây sen, diện tích trồng sen còn thường xuyên biến động.
Anh Trần Quốc Phong ngụ ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: "Ðể phát triển cây sen bền vững, các cơ quan chức năng và địa phương cần phối hợp để duy trì và phát triển diện tích trồng sen phù hợp với nhu cầu thị trường vào từng thời điểm trong năm và hỗ trợ nông dân kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp để hình thành các vùng sản xuất sen đảm bảo chất lượng và có giá cả đầu ra ổn định. Kịp thời đẩy mạnh khâu bảo quản, chế biến sâu cho sản phẩm gắn với mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu. Mặt khác, cần chú ý khai thác, phát huy giá trị cây sen và chuỗi ngành hàng sen trên nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm cả chế biến làm thực phẩm đến dược phẩm, mỹ phẩm và phát triển du lịch". Theo anh Phong, bên cạnh tham gia trồng sen với diện tích hơn 3ha, gia đình anh mở điểm thu mua gương sen tại xã Thới Hưng để góp phần thu mua, tiêu thụ gương sen cho nông dân tại địa phương. Tuy nhiên, do chưa có khả năng đầu tư nhà máy chế biến hạt sen và hiện ở Cần Thơ hầu như chưa có nhà máy chế biến hạt sen nên gương sen sau khi thu mua chủ yếu được anh đem sang bán cho các cơ sở chế biến hạt sen tại tỉnh Ðồng Tháp. Anh rất mong tới đây có các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hạt sen ở Cần Thơ.
Tiềm năng để phát triển trồng cây sen tại TP Cần Thơ được đánh giá là còn rất lớn bởi sen có thể chế biến nhiều sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, sen cũng là loại cây tương đối dễ trồng và cho thu hoạch đa dạng nhiều sản phẩm như hoa sen, gương sen, tim sen, ngó sen, củ sen... giúp tạo ra nhiều sản phẩm thực phẩm, dược phẩm mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, sen tại Cần Thơ mới được trồng để lấy gương sen nên diện tích trồng còn ít. Các mô hình trồng sen để lấy ngó, lấy củ sen và lấy bông chưa phát triển nhiều và việc trồng sen gắn với khai thác, phát triển du lịch cũng còn hạn chế. Do vậy, tới đây ngành chức năng cần tạo điều kiện để nông dân mở rộng diện tích trồng sen và khai thác tốt các tiềm năng, giá trị mà cây sen có thể mang lại.