|
  • :
  • :

Cây gai xanh: Giúp đồng bào dân tộc thiểu số Sơn La chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của các xã vùng cao, dễ trồng, chăm sóc, sản phẩm làm ra thuận tiện trong việc tiêu thụ, cây gai xanh hứa hẹn sẽ là cây trồng đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Cây gai xanh giúp đồng bào dân tộc thu nhập ổn định

Với gia đình ông Đinh Công Lý dân tộc Mường, bản Suối Han, xã Mường Do, (Phù Yên, Sơn La), là một trong những hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nương kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh, chỉ sau hơn một năm canh tác, diện tích cây gai xanh của gia đình anh đã cho thu hoạch 4 lứa và được HTX thu mua với giá cao, ổn định.

"Nhận thấy cây gai xanh có hiệu quả kinh tế cao hơn, tháng 8/2021, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 4.000m2 đất trồng ngô kém hiệu quả, sang trồng cây gai xanh. Với cùng diện tích, nhưng so với trồng ngô, cây gai đem lại hiệu quả cao hơn, thứ 2 là ổn định về sản lượng, chất lượng và giảm công chăm sóc", ông Lý nói.

Cây gai xanh: Giúp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cây trồng hiệu quả - Ảnh 2.

Ông Đinh Công Lý dân tộc Mường, bản Suối Han, xã Mường Do, (Phù Yên, Sơn La) có thu nhập ổn định từ việc chuyển đổi trồng cây gai xanh. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với HTX sản xuất Thương mại và dịch vụ Tây Bắc Phù Yên (Sơn La), sau khi tìm hiểu về đặc tính cũng như tiềm năng của cây gia xanh, được đi tham quan học hỏi mô hình cây gai xanh và nhà máy sản xuất của Tập đoàn An Phước ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu của mảnh đất vùng cao này phù hợp để trồng cây gai xanh. Năm 2021, HTX đã đầu tư cho người dân trồng thử nghiệm 10ha cây gai xanh giống API, qua trồng thử nghiệm cho thấy, cây gai xanh rất phù hợp với đất đai, khí hậu nơi đây.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Lan Phương, Giám đốc HTX sản xuất - Thương mại và dịch vụ Tây Bắc Phù Yên (Sơn La) cho biết: Trong 2 năm, HTX đã trồng được 40ha tại xã Suối Bau (Phù Yên, Sơn La) và đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người dân sinh sống trên địa bàn với mức lương 180.000-200.000 đồng/ngày công. Có những thời điểm cao điểm, HTX có trên 100 lao động, có gia đình 3-4 người cùng đi làm nên thu nhập rất cao.

"Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây gai xanh, ngoài xã Suối Bau, HTX sản xuất – Thương mại và dịch vụ Tây Bắc Phù Yên (Sơn La) còn mở rộng diện tích cây gai xanh tại các xã: Sập Xa, Đá Đỏ, Mường Thải, Mường Cơi, Kim Bon, Huy Bắc, Huy Tân, Huy Thượng và Gia Phù với 150 ha. Đến nay, HTX đã thu hoạch được 4 lứa với trên 12 tấn vỏ gai xanh khô", bà Phương nói.

Cây gai xanh: Giúp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cây trồng hiệu quả - Ảnh 3.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại, HTX sản xuất - Thương mại và dịch vụ Tây Bắc Phù Yên (Sơn La) đã đưa cây gai xanh vào sản xuất. Ảnh: Văn Ngọc

Bà Phạm Mỹ Linh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp An Phước – Viramie thông tin: Năm 2017, Công ty liên kết với một số HTX, hộ nông dân bắt đầu được trồng thử nghiệm tại Thanh Hóa, Sơn La. Đến năm 2020 tổng diện tích vùng nguyên liệu mới đạt 500ha. Sau khi chứng minh được hiệu quả tích cực so với cây trồng khác, năm 2021 và 2022 diện tích vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước – Viramie được mở rộng rất nhanh, đến cuối năm 2023 tổng diện tích đã đạt 2500 ha. Việc trồng thử nghiệm cây gai xanh tại các địa phương cho thấy giống cây gai xanh AP1 đã thể hiện các đặc tính nông học hoàn toàn thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

Cây gai xanh cho năng suất cao với lợi nhuận kinh tế có tính cạnh tranh tốt so với các cây trồng khác như sắn, mía, ngô… giúp mang lại hiệu quả kinh tế và công ăn việc làm thường xuyên cho người lao động. Cùng với đó, nhờ đặc thù nông học, các diện tích sản xuất cây gai xanh AP1 không yêu cầu phun thuốc cỏ, thuốc BVTV và đồng thời hàng năm bồi dưỡng thêm hàng trăm tấn sinh khối xanh (để lại ruộng sau tuốt vỏ), nhờ đó góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động và liên tục cải tạo làm gia tăng dinh dưỡng, mùn hữu cơ và giá trị sử dụng nói chung cho đất trồng.

"Chúng tôi mong muốn tỉnh Sơn La cho phép xúc tiến quá trình chuyển đổi cây trồng từ những cây trồng truyền thống kém hiệu quả, kém bền vững sang mô hình sản xuất cây gai xanh AP1 tại các huyện của tỉnh Sơn La. Qua đó góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, mang lại sinh kế tại chỗ cũng như thu nhập lâu dài, ổn định cho bà con", bà Phạm Mỹ Linh nói.

Cây gai xanh: Giúp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cây trồng hiệu quả - Ảnh 4.

Trồng cây gai xanh sẽ cho thu nhập bình quân từ 70-100 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Văn Ngọc

Để cây gai xanh thực sự đem lại hiệu quả kinh tế

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La thông tin: Cây gai xanh được trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh Sơn La từ năm 2017. Đến nay tổng diện tích gai xanh trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng 800 ha. Tập trung chủ yếu ở các huyện Phù Yên, Vân Hồ, Sông Mã. 

Qua đánh giá, với kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch tương đối đơn giản, dễ thực hiện, mức đầu tư ban đầu phù hợp với khả năng kinh tế của đa số hộ nông dân và cho lợi nhuận kinh tế cao. Cây gai xanh không làm đất bạc màu, lá cây có thể tận dụng làm phân bón giúp đất tơi xốp hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác.

Cây gai xanh: Giúp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cây trồng hiệu quả - Ảnh 5.

Với tiềm năng và hiệu quả bước đầu, cây gai xanh đã và đang tạo thêm cơ hội để đa dạng giống cây trồng trên các xã vùng cao của tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Cây trồng một lần, nhưng thời gian khai thác từ 8-10 năm; thu hoạch 4-6 lứa/năm, năng suất 2-3 tấn vỏ gai khô/ha, giá vỏ khô từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, thu nhập đạt từ 70-100 triệu/ha/năm. Sản lượng thu hoạch toàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2020 - 2022 đạt hơn 900 tấn. Sản phẩm vỏ gai khô được bán về Nhà máy sợi dệt An Phước thuộc Tập đoàn An Phước, việc thu mua vỏ gai khô do các đơn vị đối tác công ty cổ phần Nông nghiệp An Phước thực hiện. 

Cây gai xanh: Giúp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cây trồng hiệu quả - Ảnh 6.

Đến nay tổng diện tích gai xanh trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng 800 ha. Ảnh: Văn Ngọc

Để phát triển cây gai xanh trên địa bàn Sơn La cần xây dựng cơ chế tiêu thụ ổn định về giá, tiêu chuẩn sản phẩm cụ thể rõ ràng. Thông báo các Công ty/đơn vị/HTX liên kết của Công ty tại các địa bàn triển khai thực hiện.

Có giải pháp ổn định về vốn để đảm bảo kinh phí trả cho nông dân sau khi bán sản phẩm vỏ gai xanh. Đề nghị các Công ty/đơn vị/HTX đối tác phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác hỗ trợ kỹ thuật đối với nông dân để đảm bảo sản phẩm ổn định chất lượng. Tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả kinh tế, vùng trồng để đảm bảo sự phù hợp của cây gai xanh trên địa bàn.

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/cay-gai-xanh-giup-cac-dong-bao-dan-toc-co-thu-nhap-on-dinh-20230616111451187.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin