Mô hình trồng bồn bồn đang giúp nhiều người dân vùng U Minh Hạ thoát khèo, vươn lên khấm khá.
Anh Phạm Văn Dư ở xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, có 7ha đất rừng, anh được chuyển đổi khoảng 2ha để phát triển nông nghiệp. Trước đây, gia đình anh Dư cũng như bà con địa phương thường trồng lúa nhưng hiệu quả không cao. Khoảng 4 năm trước, anh Dư thí điểm trồng bồn bồn và giống cây trồng mới này đã phát triển tốt trên vùng đất nhiều phèn. Hiện gia đình anh Dư có thu nhập mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng từ cây bồn bồn. “Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng 1 công bồn bồn lời khoảng 1,5 triệu đồng. Lợi nhuận cao hơn trồng tràm, gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Nhờ cây bồn bồn mà cuộc sống người dân ở đây ngày càng được nâng lên. Riêng gia đình tôi đã thoát nghèo, có tích lũy để sửa chữa, mua sắm đầy đủ đồ đạc trong nhà” - anh Dư cho biết.
Mô hình trồng bồn bồn ở vùng đất rừng U Minh Hạ mới phát triển vài năm gần đây. Lúc đầu, chỉ có một số hộ dân trên tuyến kênh T19, xã Khánh An, trồng thử nghiệm, nay toàn tuyến kênh này có 27 hộ trồng bồn bồn và cây bồn bồn đã phát triển sang các vùng lân cận. Gia đình chị Trần Thị Kiều trước đây kinh tế khó khăn nhưng từ khi học hỏi và chuyển gần 2ha đất trồng lúa sang trồng bồn bồn, cuộc sống gia đình khá ổn định. Không chỉ có nguồn thu khá cao từ ruộng bồn bồn, thời gian rảnh, chị Kiều còn đi sơ chế bồn bồn thuê, kiếm thêm thu nhập. “Hộ này thu hoạch xong thì đến hộ khác nên có việc làm suốt. Việc sơ chế bồn bồn chủ yếu ở trong mát, mỗi ngày làm 7-12 giờ, kiếm được 100.000-120.000 đồng, quá giờ thì chủ nhà trả thêm tiền. Cũng nhờ cây bồn bồn mà bà con ở xóm có thu nhập ổn định” - chị Kiều chia sẻ.
Mô hình trồng bồn bồn phát triển trên vùng đất rừng U Minh Hạ không chỉ mở hướng mới trong phát triển kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Chị em phụ nữ tham gia sơ chế, lột vỏ bồn bồn còn với nam giới đi nhổ, thu hoạch bồn bồn. Vợ chồng anh Lê Út Nhỏ ở xã Khánh An, trước đây đi tỉnh khác làm công nhân, từ khi địa phương phát triển trồng bồn bồn, vợ chồng anh về lại quê nhà làm thuê, mỗi tháng kiếm được 8-10 triệu đồng. Anh Út Nhỏ cho biết: “Từ khi có cây bồn bồn, vợ chồng tôi có việc làm quanh năm. Tôi đi nhổ bồn bồn từ sáng tới 10 giờ nghỉ, kiếm được 120.000-150.000 đồng, vợ tôi lột vỏ bồn bồn mỗi buổi cũng được 100.000 đồng”.
Trước đây, cây bồn bồn không có giá trị kinh tế, thường mọc dại ở những nơi ngập nước hoang hóa vùng đất rừng U Minh Hạ. Gần đây, loài cây này tăng giá trị, trở thành đặc sản địa phương được nhiều người ưa chuộng. Hiện giá bồn bồn tươi lột sẵn được thương lái thu mua tại nhà khoảng 20.000 đồng/kg, giúp một bộ phận người dân ở vùng đất rừng U Minh Hạ có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ vậy, mô hình này đã giúp giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi tại địa phương, nhất là phụ nữ.