Giá xuất khẩu tăng từng ngày
Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.
Theo số liệu công bố tại hội nghị Triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo mới đây, đến hết tháng 7-2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỉ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm tiếp tục giữ vững như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… một số thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.
Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thông tin: Trong quý I-2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao, dao động khoảng 450 USD/tấn, có thời điểm vượt qua giá gạo Thái Lan cùng chủng loại. Bước sang quý II, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiếp tục tăng trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế. Đặc biệt, khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati (từ ngày 20-7) là yếu tố dẫn đến giá gạo xuất khẩu các nước tăng mạnh. Đến ngày 1-8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức 590 USD/tấn đối với chủng loại 5% tấm, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.
Từ diễn biến thị trường cho thấy, tuy đạt được những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2023, nhưng đến giữa tháng 7-2023 thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp. Lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực; tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)... được báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023. Mặt khác, xuất khẩu gạo Việt Nam vốn đã có nhiều khó khăn mang tính nội tại như thị trường nhập khẩu vẫn chưa đa dạng, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa chú trọng phát triển vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp truy xuất nguồn gốc, xây dựng thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu…
Tận dụng thời cơ
Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến thất thường của thời tiết, sản lượng lúa sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo phục vụ trong nước và yêu cầu xuất khẩu. Lượng lúa dành cho xuất khẩu trên 15,1 triệu tấn, tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: "Sản lượng lúa gạo trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Theo kế hoạch được ngành Nông nghiệp xây dựng từ đầu năm 2023, diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm nay đạt khoảng 1,7 triệu héc-ta, cho sản lượng 43 triệu tấn. Sau khi tính toán nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, chúng ta có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023. Đến thời điểm này, qua kiểm tra tại khu vực ĐBSCL, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi. Với tình hình hiện nay nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ... trên diện rộng, có thể nói năm 2023 chúng ta sẽ có một vụ mùa thắng lợi".
Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhiều ý kiến cho rằng, giá gạo xuất khẩu tăng là điều đáng mừng nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp khó do giá lúa thu mua của nông dân đang tăng lên từng ngày, thậm chí từng giờ. Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, cho biết: "Trước đây, giá lúa là 6.500 đồng/kg thì vài ngày nay đã tăng lên 7.400 đồng/kg. Khi thu mua, nông dân yêu cầu tăng 200 đồng, 300 đồng rồi 500 đồng/kg doanh nghiệp vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, giá lúa tăng không có điểm dừng trong khi hợp đồng xuất khẩu đã ký với đối tác trước đó không thể thương lượng điều chỉnh tăng giá gạo lên. Vì vậy, tôi kiến nghị chúng ta cần có giá sàn cho lúa, đồng thời giãn thời gian xuất khẩu đề doanh nghiệp có thời gian gom hàng".
Diễn biến thị trường thương mại gạo toàn cầu xu hướng có lợi cho nước xuất khẩu. Vì vậy, theo ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng nhưng phải đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia. "Tình hình thương mại gạo toàn cầu diễn biến quá nhanh, động thái chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo đưa ra ảnh hưởng không tốt đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Vì vậy, các bên có liên quan tích cực phối hợp cùng đề ra giải pháp đảm bảo: tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả. Về lâu dài, để xuất khẩu gạo Việt Nam phát triển bền vững, mối liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân phải thắt chặt hơn nữa để hình thành vùng nguyên liệu lúa chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn, truy xuất được nguồn gốc…" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.