Sản phẩm OCOP và nông sản đặc sản của Cần Thơ được trưng bày giới thiệu tại sự kiện ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL vào tháng 3-2023 tại Bến Tre.
Rất cần liên kết, hợp tác
TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh trên hầu hết các lĩnh vực, là động lực phát triển và đầu tàu kinh tế cho các tỉnh, thành phía Nam và cả nước. Ðồng thời, đào tạo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và cung cấp nguồn nhân lực đã qua đào tạo cho các tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Thành phố cũng là nơi thu mua chế biến, trung chuyển xuất khẩu và tiêu thụ chủ lực đối với nhiều loại nông sản và sản phẩm hàng hóa của vùng ÐBSCL. TP Hồ Chí Minh có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước với tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm, có nền tảng khoa học, công nghệ có thể làm đầu tàu dẫn dắt, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phát triển KT-XH.
Còn ÐBSCL có nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào cung cấp cho TP Hồ Chí Minh và có nhiều tiềm năng, lợi thế tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu phục vụ cho đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch, năng lượng sạch... Vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh đã và đang có sự gắn kết rất mật thiết và tác động qua lại về mọi mặt. Sự phát triển của vùng ÐBSCL không thể tách rời mà phải kết nối chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh và với từng địa phương trong vùng, trong đó TP Cần Thơ được xác định có vai trò trung tâm, đầu tàu của vùng ÐBSCL.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: "Ngày 11-3-2023, tại tỉnh Bến Tre, UBND TP Cần Thơ đã cùng đại diện UBND các tỉnh ÐBSCL ký kết hợp tác với TP Hồ Chí Minh. Ðây được xem là điều kiện thuận lợi, nền tảng tạo cơ hội hợp tác mới mang tầm sâu, rộng giữa các bên. Nhận thức hợp tác phát triển là một xu thế tất yếu trong phát triển KT-XH, thời gian qua TP Cần Thơ rất chủ động liên hệ với các địa phương thúc đẩy thực hiện. Cần Thơ xác định hợp tác phát triển với TP Hồ Chí Minh là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo điều kiện để tiếp cận hỗ trợ từ phía TP Hồ Chí Minh tạo động lực thúc đẩy phát triển, mở ra cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư...".
Theo ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các bên, việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển là phù hợp với xu thế và rất cần, nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới thu hút các dự án từ các nhà đầu tư từ TP Hồ Chí Minh cho các tỉnh, thành ÐBSCL. Ðây cũng là cơ hội, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nỗ lực thực hiện
UBND TP Cần Thơ vừa phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ÐBSCL tổ chức Hội nghị công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024-2025 tại TP Cần Thơ. Sự kiện này thể hiện quyết tâm của các bên cụ thể hóa thực hiện các nội dung, thỏa thuận hợp tác đã ký, đồng thời cũng là dịp trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc liên kết.
Theo kế hoạch, năm 2023 TP Hồ Chí Minh phối hợp các tỉnh, thành vùng ÐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương và kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư, thương mại giữa các tỉnh thành. Các nội dung hợp tác tập trung trong năm 2024 và 2025 gồm phát triển hạ tầng giao thông, du lịch, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và lao động…
Ðể triển khai tốt việc hợp tác này, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao nhiêm vụ cụ thể cho các sở, ngành thành phố làm đầu mối thực hiện phối hợp với các địa phương trong vùng trên từng ngành, lĩnh vực. Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đối với lĩnh vực giao thông, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố được giao làm đầu mối phối hợp Sở GTVT các địa phương ÐBSCL để bàn, cụ thể hóa thực hiện các hợp tác, thúc đẩy triển khai xây dựng, hình thành hệ thống giao thông kết nối TP Hồ Chí Minh với vùng ÐBSCL theo các tuyến hành lang phát triển kinh tế ven biển, ven biên giới. Ðặc biệt, việc kết nối giao thông đường bộ và đường thủy giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ven biển ÐBSCL giúp rút ngắn thời gian đi lại, tạo nhiều thuận lợi cho phát triển du lịch. Về hợp tác du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh được giao làm đầu mối triển khai các nội dung đã thỏa thuận, trong đó nỗ lực trong năm nay phải làm sao định hình lại các tour tuyến du lịch từ TP Hồ Chí Minh đi ÐBSCL nhằm khai thác hết kỳ nghỉ của khách trong nước và quốc tế. Thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh trong chủ trì, phối hợp với các địa phương ÐBSCL hợp tác trên các lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục, y tế, lao động...
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Ðảng, Bí Thư thành ủy Cần Thơ, thời điểm công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH là thuận lợi, phù hợp. TP Hồ Chí Minh đã có những nghị quyết, quyết sách của Bộ Chính trị và Quốc hội, mở ra những điều kiện phát triển, các cơ chế, chính sách thí điểm mới, đột phá. TP Cần Thơ có Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội, xác định Cần Thơ là trung tâm của vùng ÐBSCL. Còn vùng ÐBSCL được sự quan tâm của Trung ương trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị. Ðể tiếp tục trở thành trung tâm của vùng theo nghị quyết của Trung ương, TP Cần Thơ đang nỗ lực tăng cường kết nối giao thông, cảng và logistics... để thực hiện liên kết và phát huy thế mạnh từng địa phương. Quan điểm của Cần Thơ là chọn những lĩnh vực phù hợp, thế mạnh để phát triển, không tạo sự cạnh tranh không cần thiết với các tỉnh ÐBSCL. Cần Thơ tập trung phát triển mạnh công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, trung tâm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản... phục vụ cho cả vùng ÐBSCL. Với trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ sẽ tiếp tục trao đổi, đồng hành với UBND thành phố để cụ thể hóa, triển khai các nội dung ký kết sát thực tế. Kịp thời tháo gỡ khó khăn và các vấn đề phát sinh trong quá trình liên kết, hợp tác...