|
  • :
  • :

Bứt phá làm giàu 

Con đường đi đến thành công, được vinh danh Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc của ông Hồ Bá Phiêu (Bá Khem), ở khu vực Long Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, lắm gian nan. Với xuất phát điểm khá khó khăn, ông Bá Khem đã tiên phong với mô hình sản xuất lúa giống và cây kiểng. Bằng sự bứt phá, vươn lên ngoạn mục, ông trở thành một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu ở Cần Thơ.

Làm giàu từ lúa giống

Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết trong sản xuất, ông Bá Khem đã có thu nhập tiền tỉ mỗi năm từ sản xuất lúa giống.

Mô hình sản xuất lúa giống của ông Bá Khem (bìa phải) đem lại thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Tiếp tôi trong căn nhà tường khang trang, treo đầy Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen, giấy khen của Hội Nông dân các cấp, ông Bá Khem bồi hồi kể về quá trình lập nghiệp đầy gian nan, cơ cực của mình. Năm 1990, sau khi cưới vợ, ông được cha mẹ cho gần 4.000m2 đất ruộng. Ban đầu, theo tập quán sản xuất cũ, ông sạ lúa thường, sạ dày nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Để có thêm thu nhập, ông Bá Khem phải đi làm thợ hồ, trồng nấm rơm...

Ông nhớ lại: “Những năm đó, dù làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà, nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước, hụt sau”. Khát vọng vươn lên thoát khỏi nghèo khó luôn thôi thúc ông. Năm 1998, ông gia nhập Hội Nông dân, được Hội giúp vay vốn để phát triển sản xuất. Ông Bá Khem xác định, làm nghề nông muốn thành công phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do vậy, từ ngày đầu lập nghiệp đến nay ông luôn bám sát Hội Nông dân để được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các hội thảo về cây lúa, các đợt tham quan, học tập mô hình sản xuất hiệu quả…

Ông Bá Khem tìm mua lúa giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng từ Viện Lúa ĐBSCL, Trại giống nông nghiệp của thành phố về sản xuất, nhân giống các giống lúa cấp nguyên chủng, cấp xác nhận để cung cấp cho thị trường. Năm 2006, ông bắt đầu thí điểm mô hình sản xuất giống lúa theo hình thức “cấy lúa một tép”. Theo ông Bá Khem, sản xuất lúa theo kỹ thuật này đòi hỏi nhiều công lao động hơn so với sạ hàng hay sạ thưa. Trước tiên, phải chọn được giống tốt, sau đó phải làm nền đất tương đối bằng phẳng, trải cao su lên, rồi dùng xơ dừa, tro và bùn non trộn đều để ươm hạt giống. Sau khi ươm từ 10-12 ngày thì nhổ đem ra ruộng cấy. Mô hình này, giúp giảm được lượng giống, phân bón, cây lúa đâm chồi khỏe, ít bị sâu bệnh, tránh được tình trạng đổ ngã, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Trong sản xuất nông nghiệp, việc liên kết sản xuất rất cần thiết. Đầu năm 2010, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân phường Thốt Nốt, ông đứng ra vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) sản xuất lúa giống Bá Khem nhằm liên kết vốn, chủ động sản xuất theo mùa vụ,... Bước đầu, CLB có 6 thành viên với diện tích sản xuất lúa giống là 35ha. 13 năm trước, CLB sản xuất lúa giống của ông Bá Khem là một điểm tập kết rộng chưa đầy 100m2 dùng để làm nơi trao đổi, mua bán lúa giống cho bà con. Với sự quyết tâm và cách làm sáng tạo, đến nay ông Bá Khem đã xây dựng cơ sở sản xuất lúa giống quy mô lớn với diện tích 4.000m2, với đầy đủ phương tiện phục vụ cho việc bảo quản và cung cấp hàng trăm tấn lúa giống ra thị trường.

Dạo quanh cơ sở sản xuất lúa giống của ông Bá Khem chúng tôi bị cuốn hút bởi hệ thống dây chuyền khép kín từ giàn khoan hút lúa, đến những lò sấy lúa liền kề với những chiếc máy tách hạt chuyên dụng, hiện đại. Ông Bá Khem cho biết: “Trước đây, cơ sở bán lúa giống xử lý giống theo cách truyền thống, lúa khô, giê sạch là bán cho bà con. Bây giờ, khách hàng rất khó tính, cơ sở luôn đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm và uy tín lên hàng đầu. Để chủ động trong khâu bảo quản hạt giống, tôi đầu tư lò sấy lúa cộng với máy tách hạt và máy đóng bao bì,... với tổng số tiền hàng tỉ đồng”.

Đến nay, ông Bá Khem đã xây dựng được khu vực chuyên sản xuất lúa giống với tổng diện tích hơn 100ha. Ông hướng dẫn các nông hộ áp dụng kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa và “cấy lúa một tép” để tiết kiệm lúa giống, phân bón, công chăm sóc, mang lại lợi nhuận cao. Để nông dân an tâm sản xuất, ông ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ông Bá Khem nói: “Khi có bao tiêu, nông dân sẽ yên tâm chăm sóc, mạnh dạn đầu tư và mình có thể tính toán được lợi nhuận. Đặc biệt, sản xuất lúa giống giá sẽ cao từ 1.000-1.500 đồng/kg so với lúa hàng hóa”. Là người tiên phong trong sản xuất lúa giống, ông Bá Khem thuê thêm đất canh tác, rồi dần tích lũy vốn, vay thêm vốn ngân hàng để mua thêm đất sản xuất. Với cách làm đó, từ 4.000m2 đất ban đầu, đến nay ông Bá Khem đã sở hữu 50ha đất cùng với cơ sở sản xuất lúa giống quy mô lớn, có thu nhập 4-5 tỉ đồng/năm. 

Thu tiền tỉ từ cây kiểng

8 năm bước vào lĩnh vực kinh doanh cây kiểng, ông Bá Khem đang sở hữu hơn 400 gốc mai vàng, mai chiếu thủy bonsai có giá trị hàng chục tỉ đồng. Ngoài ra, ông Bá Khem còn đang trồng 10.000 gốc mai vàng sắp đế với vốn đầu tư hàng tỉ đồng. Đi đến đâu ông Bá Khem cũng săn tìm những cây có dáng đẹp, gốc đẹp mang về vườn để làm bộ sưu tập.

Bước vào sân vườn nhà ông, khách tham quan không khỏi ngỡ ngàng trước cách bài trí cây kiểng thứ tự, ngay hàng thẳng lối. Cây nào cũng kỳ mỹ, cắt tỉa công phu, tạo nên ấn tượng về sự già cỗi, rêu phong nhưng tàn lá vẫn xanh tươi, mượt mà, đầy sức sống. Hiện tại, ông Bá Khem đang sở hữu 200 tác phẩm mai chiếu thủy có giá từ vài triệu đến 2 tỉ đồng/cây và 200 tác phẩm mai vàng có giá trị từ 10 triệu đến 1,5 tỉ đồng/cây. Ông Bá Khem, cho biết: “Do đam mê cây kiểng nên càng khám phá, tôi càng thấy say mê, nhất là những cây có giá trị nghệ thuật. Chơi cây kiểng, đặc biệt là thể loại bonsai còn rèn luyện cho mình được tính kiên trì và nhẫn nại”.

Bên cạnh tự mày mò học hỏi và tìm hiểu qua sách vở về kỹ thuật cắt tỉa, uốn sửa và tạo dáng cho bonsai, ông Bá Khem còn tiếp cận nhiều nghệ nhân bonsai nổi tiếng để học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Nhìn  toàn bộ cây kiểng trong khuôn viên nhà ông được uốn sửa và tạo dáng hoàn mỹ, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Ông Bá Khem chia sẻ: “Người chơi kiểng phải nắm vững những thao tác kỹ thuật về đường nét, dáng thế để thổi hồn vào đó. Do đó, 1 cây bonsai nghệ thuật đòi hỏi phải đủ các yếu tố “cổ - kỳ - mỹ” mới mang lại giá trị kinh tế cao”. Những cây bonsai ở vườn ông Bá Khem có dáng đẹp, oai phong, giống như một cây cổ thụ ngoài thiên nhiên thu nhỏ nên thu hút được nhiều người chơi đến tham quan, giao dịch. Có năm, như năm 2020, ông Bá Khem thu nhập hơn 5 tỉ đồng từ việc bán cây kiểng.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch Hội Nông dân phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: “Anh Bá Khem là người tiên phong và gặt hái được nhiều thành công trong sản xuất lúa giống và cây kiểng. Ngoài thu nhập cho cá nhân, anh Bá Khem còn giải quyết được việc làm cho trên 30 lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, anh Bá Khem còn là nhà hảo tâm tích cực trong nhiều phong trào của địa phương, từ đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình thương, đến giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn...”.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/but-pha-lam-giau-a167548.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin