|
  • :
  • :

Bình Phước hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh

Tỉnh Bình Phước xác định việc thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cũng là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; qua đó góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột là: phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Đây là nội dung trọng tâm của Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn giai đoạn 2022-2025 vừa được UBND tỉnh Bình Phước ban hành.
Tỉnh Bình Phước xác định, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
UBND tỉnh Bình Phước đề ra mục tiêu trọng tâm của Kế hoạch là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện chương trình, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2025, phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn gồm, chương trình được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn gồm: Ít nhất 70% số xã có hợp tác xã, 70% đơn vị cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới gồm: Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến. Tỉnh phấn đấu triển khai xây dựng ít nhất 01 thôn/xã thông minh tại mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để tổng kết và nhân ra diện rộng.
UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư; đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số; phát động các phong trào, các đợt thi đua tham gia hoạt động chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phụ vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thẩm định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; hỗ trợ quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng, sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn.
Đến nay, tỉnh Bình Phước có 3/11 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (gồm thị xã Bình Long, Phước Long và thành phố Đồng Xoài), 2 huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú); có 66/86 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 12/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Số tiêu chí đạt chuẩn trung bình của toàn tỉnh là 17,8 tiêu chí; 23 thôn, ấp được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nguồn: http://dantocmiennui.vn/binh-phuoc-huong-den-xay-dung-nong-thon-moi-thong-minh/332254.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin