Ngành chức năng tỉnh Bình Định hỗ trợ người dân huyện Phù Mỹ tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò. Ảnh: Tường Quân – TTXVN
Dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò bắt đầu bùng phát từ ngày 20/1/2022. Đến nay, dịch lây lan tại 7 địa phương trong tỉnh, gồm: huyện Vĩnh Thạnh, huyện Vân Canh, huyện Hoài Ân, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát, thị xã Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn. Tổng số trâu bò mắc bệnh là 234 con; trong đó, số còn điều trị là 146 con, khỏi bệnh là 75 con, số chết là 13 con.
Thị xã Hoài Nhơn có số trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục nhiều nhất với 95 con, trong đó: đã điều trị khỏi 58 con; chết 11 con; đang điều trị 26 con. Tiếp theo là huyện Phù Cát với 48 con bị bệnh, huyện Hoài Ân 29 con, huyện Vân Canh có 27 con, thị xã An Nhơn 15 con, huyện Vĩnh Thạnh 13 con và huyện Tuy Phước 7 con.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp cho biết, dịch bệnh viêm da nổi cục xảy ra trong đợt này chủ yếu trên đàn bê con từ 2-5 tháng tuổi. Đây là những con chưa được tiêm phòng hoặc sinh ra từ những con trâu, bò mẹ chưa được tiêm phòng trong năm 2021. Mức độ lây lan dịch bệnh chậm hơn so với năm 2021.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đã phối hợp với các địa phương tập trung rà soát số lượng trâu, bò chưa được tiêm phòng để vận động người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng. Đến nay, người chăn nuôi ở một số địa phương đã tự tiêm phòng trên đàn trâu bò của mình; trong đó, huyện Phù Cát đã tiêm được trên 3.000 con; huyện Phù Mỹ đã tiêm được trên 5.300 con; huyện Vân Canh đã cấp phát 3.000 liều vaccine cho xã Canh Vinh triển khai tiêm phòng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cũng đã xuất cấp 8 tấn thuốc khử trùng cho các địa phương phun tiêu độc, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.
Hiện nay, đàn trâu bò của tỉnh Bình Định có khoảng 300.000 con. Dịch viêm da nổi cục tái bùng phát khiến người chăn nuôi lo lắng.
Ngoài dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, dịch tả lợn châu Phi cũng đã xuất hiện tại Trạm giống gia súc Long Mỹ (xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn); thời gian phát bệnh vào ngày 30/1/2022. Trạm giống gia súc Long Mỹ đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn bị bệnh (28 con). Đến nay tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, không phát sinh ở các dãy chuồng còn lại và không phát sinh dịch bệnh đối với các hộ chăn nuôi xung quanh khu vực trạm giống gia súc này.