Các đại biểu trao đổi, giải đáp thắc mắc cho người dân. Ảnh: Thái Hùng- TTXVN
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh Nguyễn Hồng Quang cho biết, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, ngành nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đến nay, đã có nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn được thực hiện, điển hình như: sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại ruộng để làm phân bón hữu cơ cho sản xuất lúa vụ sau; đệm lót sinh học trong chăn nuôi; kinh tế vườn - ao - chuồng trong các trang trại...
Nông dân Bắc Ninh trao đổi, kiến nghị với các đại biểu. Ảnh: Thái Hùng- TTXVN
Tuy nhiên, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn ở mức khiêm tốn, hiệu quả chưa cao. Các mô hình tái chế và tận thu phụ phẩm trong nông nghiệp còn chưa phát triển nên chưa phát huy hết tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phụ phẩm lớn trong ngành nông nghiệp. Tình trạng ô nhiễm môi trường do các phụ phẩm nông nghiệp gây ra diễn ra ở nhiều nơi. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của người dân về nông nghiệp tuần hoàn còn hạn chế; ruộng đất manh mún, khó tích tụ; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; đặc biệt là còn thiếu các căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, cung cấp những thông tin về các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã và đang được áp dụng vào sản xuất, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong việc xây dựng và nhân rộng những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, trên cơ sở đó để đưa ra được những giải pháp phù hợp, hiệu quả thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn phát triển trong thời gian tới.
Các đại biểu trao đổi, giải đáp thắc mắc cho người dân. Ảnh: Thái Hùng- TTXVN
Bà Hoàng Thị Thủy, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về xử lý, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp. Lượng phụ phẩm cây trồng chính được thu gom, xử lý, sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đệm lót sinh hoc trong chăn nuôi, ủ phân hữu cơ đạt 100%. Giá trị sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại ứng dụng chuỗi giá trị chăn nuôi 4F (Feed-Farm-Food-Fertilizer: thức ăn-trang trại-thực phẩm-phân bón) hoặc chăn nuôi tuần hoàn tính trên tổng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi đạt 30%.
Để đạt được điều đó, theo bà Thủy, các cấp, ngành cần xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chất thải đến tổ chức, cá nhân chăn nuôi; xây dựng cơ sở dự liệu về phụ phẩm toàn ngành nông, lâm, thủy sản từ cơ sở dữ liệu thành phần của ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản để phục vụ quản lý; đẩy mạnh đào tạo phát triển nhân lực…
Các đại biểu xem trình diễn máy cấy gắn thiết bị định vị không người lái. Ảnh: Thái Hùng- TTXVN
Nói về vai trò hợp tác xã trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Hiền cho rằng, để các hợp tác xã tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu, sản xuất theo kinh tế tuần hoàn đòi hỏi các hợp tác xã phải đầu tư cho sản xuất kinh doanh một cách chuyên nghiệp.
Vì vậy, các hợp tác xã phải tính toán, cân đối nguồn vốn để từng bước thay đổi công nghệ, hướng đến sản xuất theo chuỗi và xanh hóa môi trường. Tuy nhiên, đa số các hợp tác xã không có tài sản chung thế chấp, hay phải thực hiện thủ tục, giấy tờ phức tạp làm cản trở quá trình tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất.
Ông Hiền đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tín dụng phù hợp với mô hình kinh tế tập thể. Cùng đó, các cấp, ngành, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn chi tiết cụ thể để những hợp tác xã đủ điều kiện thực hiện thủ tục tiếp cận hỗ trợ công nghệ.