Thay đổi tư duy
Trong điều kiện hiện nay, khi giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh, nhất là phân bón, khiến người nông dân sản xuất không có lãi. Ở đâu, cũng nghe điệp khúc giá cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng phi mã, gấp 2, 3 lần so với trước. Nhiều nông hộ đành treo ruộng, phơi ruộng chớ không thể gieo trồng, chăn nuôi vì lỗ.
Việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường gần như là một giải pháp hữu hiệu, trước mắt để giảm giá thành sản xuất, kế đến là hướng phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Bạc Liêu được đánh giá là địa phương có điều kiện triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ vì có trên 40.000 ha áp dụng mô hình sản xuất "Lúa thơm – Tôm sạch".
Hợp tác xã Ba Đình, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân là một trong những đơn vị đi đầu, đồng thời đang là điểm sáng điển hình trong việc hướng đến sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ. Ông Nông Văn Thạch, Giám đốc hợp tác xã cho biết, toàn bộ diện tích của các xã viên đều áp dụng mô hình sản xuất tôm – lúa; trong đó, riêng sản xuất lúa áp dụng qui trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Hợp tác xã có 300 ha, trong vụ lúa trên đất tôm vừa qua, gieo sạ giống ST 24, ST 25. Đây là giống lúa chất lượng cao, đang được thị trường ưa chuộng. Sản xuất theo quy trình an toàn sinh học theo hướng hữu cơ, xã viên không phải lo đầu ra, vì đã được hợp tác xã bao tiêu. Lúa sau khi thu hoạch được xay xát, đóng gói thành phẩm xuất bán tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh. Xã viên ai cũng phấn khởi vì thu nhập tăng thêm khi giá lúa được thu mua cao hơn từ 15 – 20 % so với canh tác thông thường.
Ngoài thu nhập từ sản xuất lúa, các thành viên của hợp tác xã còn có nguồn thu từ nuôi tôm sú, tôm càng xanh. Tất cả đều sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Sản xuất lúa - tôm theo hướng hữu cơ không chỉ được các hợp tác xã như Ba Đình áp dụng, mà còn được nhiều nông dân triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao.
Ông Huỳnh Văn Cầu, ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long chia sẻ, trước đây, khi sử dụng phân hóa học, lúa thường bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, đồng thời chi phí sản xuất tăng, do giá phân vô cơ cùng các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng. Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, ông chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, thấy lúa không còn bị bệnh đạo ôn lá và sâu bệnh cũng ít xuất hiện hơn.
Khi sử dụng phân hữu cơ, lúa có màu xanh rất đẹp, bộ rễ dài và trắng. Sử dụng phân hữu cơ còn giúp giảm thiểu chi phí so với việc sử dụng phân bón hóa học trước đây. Quan trọng hơn, khi sản xuất lúa dùng phân hữu cơ, giá trị đầu ra cao hơn, thương lái ưu tiên thu mua với giá cao so với lúa thông thường. Chi phí thấp, giá bán cao nên lợi nhuận cũng tăng cao.
Cùng với việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhất là trong lĩnh vực sản xuất lúa, Trung tâm khuyến nông tỉnh Bạc Liêu triển khai mô hình canh tác lúa thông minh theo hướng hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn liên kết bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, chỉ tính riêng vụ Đông -Xuân 2021-2022, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện quy mô 300 ha tại các huyện Phước Long, Hòa Bình và Vĩnh Lợi.
Ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong quá trình sản xuất, thành viên trong mô hình được Trung tâm khuyến nông hỗ trợ giống và thuốc bảo vệ thực vật theo công nghệ sinh học. Qua thực hiện mô hình cho thấy, chi phí sản xuất giảm từ 10 - 20%, lúa ít sâu bệnh, phát triển tốt, năng suất vẫn bảo đảm từ 6,5 - 7,5 tấn/ha. Nông dân tham gia mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao, áp dụng việc chuyển giao trong phương pháp canh tác lúa như "1 phải - 5 giảm".
Nhờ vậy, chi phí sản xuất đã giảm được khoảng 4 đến 5 triệu đồng/ha, đồng thời còn góp phần bảo vệ môi trường do giảm không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, nhờ canh tác lúa theo tiêu chuẩn an toàn nên giá thành lúa thương phẩm cũng cao hơn so với lúa sản xuất truyền thống.
Mô hình đã góp phần làm thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất truyền thống, thủ công sang sản xuất theo hướng an toàn giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững.
Liên kết sản xuất hữu cơ
Thực tế trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân cũng thấy rõ, nếu sử dụng nhiều thuốc, thức ăn công nghiệp, phân vô cơ mà không bổ sung phân bón hữu cơ sẽ gây nhiều tác hại. Không chỉ lúa sẽ ngày càng có nhiều dịch bệnh, tốn kém chi phí cao mà ngay cả con tôm, các vụ nuôi càng sau sẽ càng thất mùa, tôm bị bệnh mà chết. Thực trạng này đã và đang xãy ra tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, trồng lúa trên địa bàn tỉnh.
Ngược lại, với tư duy và cách làm mới, dùng phân hữu cơ sẽ khiến đất tăng độ màu mỡ, phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Về lâu dài cũng sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn, con tôm khỏe hơn.
Ông Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân chia sẻ, 2 năm trở về trước, phần lớn nông dân vùng sản xuất tôm – lúa chưa mạnh dạn thay đổi lối sản xuất, nên lúa bị đánh đồng là có dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Lúa bị mất giá trị, việc tiêu thụ cũng bị hạn chế.
Từ khi thực hiện sản xuất lúa theo quy trình an toàn, các hộ dân tại địa phương dần nhận thức được việc thay đổi cách dùng phân, thuốc chính là giúp cho họ có nhiều sản phẩm chất lượng hơn nên, người này kéo theo người kia, dần dần chuyển đổi sang mô hình trồng sạch, an toàn. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ triển khai tại địa phương đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, mở ra một hướng canh tác bền vững cho địa phương.
Cùng với sự tích cực vào cuộc của ngành nông nghiệp là sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của doanh nghiệp trong việc khuyến khích nông dân sản xuất theo quy trình an toàn để đáp ứng yêu cầu thị trường. Cả nông dân sản xuất và doanh nghiệp đều tăng lợi nhuận. Ngay từ đầu vụ, doanh nghiệp đã trực tiếp xuống hỗ trợ cho nông dân về vật tư đầu vào như: lúa giống, phân bón, thuốc sinh học và cam kết đầu ra cho nông dân.
Ông Nguyễn Quốc Ninh, Phó giám đốc Công ty Cổ Phần Nông nghiệp thủy sản Bạc Liêu là một trong số những doanh nghiệp tiên phong trong việc ký kết hợp tác, bao tiêu sản phẩm của tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, dù còn bỡ ngỡ về phương thức sản xuất sạch, hữu cơ nhưng với hỗ trợ kỹ thuật của ngành chuyên môn, hỗ trợ về cơ sở vật chất của doanh nghiệp, nông dân đã từng bước tiếp cận với những phương thức sản xuất mới, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, giảm sử dụng hóa chất trên đồng ruộng.
Từ những bước đầu tiên đó, hiện tại tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Liên minh hợp tác xã Lúa thơm – Tôm sạch để tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình. Liên hiệp hợp tác xã Lúa thơm – Tôm sạch Bạc Liêu có 21 hợp tác xã thành viên, với diện tích sản xuất hơn 4.000 ha, tổng nguồn vốn hoạt động là 3 tỷ đồng. Khi tham gia vào Liên hiệp hợp tác xã Lúa thơm – Tôm sạch các hợp tác xã sẽ được tạo điều kiện tham gia các chuỗi giá trị sản xuất phát triển bền vững, mở ra điều kiện mới, sức mạnh mới trong quan hệ với các đối tác trên thị trường. Sản xuất xanh, an toàn, sạch theo hướng hữu cơ đang là xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sản xuất, thì người nông dân và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi doanh nghiệp là đơn vị đưa ra quy trình sản xuất, còn nông dân là người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm.
Nếu sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch thì doanh nghiệp sẽ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xuất khẩu lúa gạo thuận lợi, còn nông dân sẽ được bao tiêu thu mua giá lúa cao. Không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, mà sản xuất an toàn còn giảm thiểu tác hại đối với đồng ruộng, giảm tác hại với chính sức khỏe nông dân và phát triển một nền nông nghiệp mới bền vững hơn.
Tuấn Kiệt