|
  • :
  • :

Bác Ái khắc phục khó khăn quyết tâm xóa huyện “trắng nông thôn mới”

Theo mục tiêu Nghị quyết 16-NQ/TU của Tỉnh ủy, đến năm 2025 huyện Bác Ái xây dựng xã đạt chuẩn nhằm xóa huyện “trắng nông thôn mới”, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, huyện đang nỗ lực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết đã đề ra.

Bác Ái là huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số, có diện tích tự nhiên 102.730 ha, chiếm 30,57% diện tích tự nhiên của tỉnh. Huyện có 9 xã, 38 thôn, dân số 33.608 người/8.026 hộ với người dân tộc thiểu số chiếm 87%; cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo 28,42%. Trong những năm qua, thực hiện cách chính sách, chương trình giảm nghèo, hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục được đầu tư, sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập người dân. Tuy nhiên, hiện nay huyện chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí đạt được tại các xã còn thấp, nhiều tiêu chí như hộ nghèo, thu nhập còn thấp so với tiêu chí quy định (bình quân 11,66 tiêu chí/xã, cao nhất 14 tiêu chí, thấp nhất 10 tiêu chí).

Nhìn nhận về những khó khăn trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, ông Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Toàn huyện chưa có xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chỉ về tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập không những chưa xã nào đạt, mà còn cách rất xa so với tiêu chí đề ra; chất lượng một số tiêu chí chưa bền vững, chưa có chiều sâu. Lĩnh vực nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu nhưng còn lạc hậu, ít đầu tư thâm canh, năng suất thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Đặc biệt là thu nhập đầu người đạt thấp và tăng rất chậm, thiếu bền vững, phụ thuộc nhiều thời tiết và biến động của thị trường. Đặc biệt, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới theo “Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, có nhiều chỉ tiêu tăng thêm và yêu cầu cao hơn khiến huyện miền núi núi như Bác Ái gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Theo đó, trong giai đoạn này, để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã phải đạt 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu, tăng 18 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016-2020. Mức độ đạt chuẩn các tiêu chí cũng được nâng cao như: Tiêu chí số 10 về thu nhập cuối năm 2023 phải đạt từ trên 42 triệu đồng/người và tăng theo từng năm, đến năm 2025 là trên 48 triệu đồng; tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều và tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đối với xã đặc biệt khó khăn là dưới 13%. Vì vậy, một số xã đã không duy trì được nhiều tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt. Theo kết quả rà soát, năm 2023, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân xã là 11,67 tiêu chí, giảm 0,78 tiêu chí/xã so với cuối năm 2021.

Xã Phước Bình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, từng bước nâng cao thu nhập từ trồng cây bưởi da xanh.

Theo Nghị quyết 16-NQ/TU của Tỉnh ủy, đến năm 2025 chỉ tiêu đặt ra huyện Bác Ái đạt chuẩn nông thôn mới 2/9 xã và 23/38 (60%) thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn và để xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững, đi vào chiều sâu, đáp ứng ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân sống ở khu vực nông thôn, huyện Bác Ái đã đề ra các giải pháp nhằm quyết tâm thực hiện đạt các yêu cầu về xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn huyện về vai trò chỉ đạo, cách thức tổ chức, sự định hướng và đặc biệt nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ xã, Ban phát triển thôn; vai trò chủ động, tích cực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới; xác định rõ nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời, thống nhất, chất lượng và hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước; tuyên truyền phân tích để người dân hiểu mục tiêu, ý nghĩa thiết thực của chương trình xây dựng nông thôn mới và chủ động tham gia một cách tích cực.

Ông Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết thêm: Các địa phương phải xác định được mục tiêu phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, thôn để tạo động lực cho các xã vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Phân định rõ tiêu chí nào, nội dung nào, công trình nào huyện, xã làm; tiêu chí nào, công việc nào người dân làm, công việc nào là nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ đó tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo của cấp trên và đặc biệt là sự vào cuộc của người dân, tận dụng tối đa sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung ưu tiên phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương như: Mỳ, chuối, dược liệu, lúa, heo bản địa, bò vàng địa phương..... Hỗ trợ thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thế mạnh của địa phương thông qua hỗ trợ lãi suất vay vốn, mua vật tư gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiếp tục triển khai, nhân rộng một số mô hình có hiệu quả giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, khuyến khích tham gia cải thiện khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi...

Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, ngoài nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa khắc phục những khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện các hạng mục, tiêu chí. Có như thế mới đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình tỉnh đã đề ra.

Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/142300p25c151/bac-ai-khac-phuc-kho-khan-quyet-tam-xoa-huyen-trang-nong-thon-moi.htm