Chung tay xây dựng quê hương Ngọc Chiến
Đến xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi ấn tượng, rõ nét trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của vùng quê này. Những tuyến đường bê tông nối dài, những công trình nhà văn hóa, kênh mương nội đồng... được gấp rút thi công, người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Nếu như trước đây, phần do nhận thức của người dân còn hạn chế, phần vì chưa có thói quen thu gom rác thải nên bà con cứ tiện đâu vứt đó, khiến cho rác thải có mặt khắp mọi nơi. Tình trạng này diễn ra nhiều năm liền, không chỉ gây mất vệ sinh môi trường, mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan trên địa bàn. Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Ngọc Chiến đã ban hành nhiều chủ trương, trong đó có chủ trương xây lò đốt rác mi ni tại gia. Với nhiều ý nghĩa thiết thực, chủ trương này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được người dân hưởng ứng nhiệt tình và tích cực thực hiện.
Chỉ tay vào cái lò đốt rác ở góc vườn, rộng chừng 4m2, chị Lò Thị Thiện, dân bản Đông Suông (xã Ngọc Chiến) vui vẻ cho biết: Gia đình tôi xây lò đốt rác này từ hồi tháng 6/2020. Từ khi có cái lò này, nhà cửa, sân vườn nhà tôi sạch sẽ hơn, thoáng đãng hơn. Cái lò này rất tiện lợi, có nó gia đình tôi hết cảnh rác thải chất đống trong vườn. Rác thải sinh hoạt hàng ngày đều được gia đình tôi thu gom, phân loại và cho vào lò đốt. Sau khi đốt xong, tôi sử dụng tro để bón cho cây trồng. Nếu biết nó tiện như thế này thì gia đình tôi đã làm từ lâu rồi, chứ không đợi đến khi xã, bản vận động mới xây.
Không riêng gì gia đình chị Thiện xây lò đốt rác mi ni tại nhà, mà hầu hết hộ dân trong xã Ngọc Chiến đều thực hiện. Chủ trương xây lò đốt rác tại gia được Đảng ủy xã Ngọc Chiến đề ra và triển khai thực hiện từ tháng 6/2020. Toàn xã Ngọc Chiến có tổng số 2176 hộ dân, thì đến thời điểm này đã có 1900 hộ xây lò đốt rác mi ni. Lò đốt rác của các hộ dân trong xã tuy không giống nhau về kích cỡ, song có chung công năng sử dụng, đó là xử lý được rác thải sinh hoạt hàng ngày. Kinh phí để xây lò đốt rác tại nhà không đáng kể, dao động từ 500 ngàn – 1 triệu đồng/lò.
Đến bản Lướt (xã Ngọc Chiến) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến chiếc cổng chào hoành tráng, với dòng chữ: "Bản du lịch cộng đồng – bản Lướt kính chào quý khách". Cổng chào này do chính người dân trong bản góp tiền, góp công xây dựng lên. Qua cổng chào, đi trên con đường bê tông bằng phẳng, chúng tôi vào bản Lướt. Không chỉ có đường trục bản, mà tất cả con ngõ ở bản Lướt cũng đã được bê tông hóa và thường xuyên được quét dọn sạch sẽ.
Ông Lường Văn On, dân bản Lướt vui vẻ nói: "Có cái nông thôn mới về, bản tôi thay đổi hẳn. Đường bản, ngõ bản đều được đổ bê tông, đi lại thuận tiện, bà con dân bản ai cũng phấn khởi. Phấn khởi hơn, đó là những con đường đó đều do bà con dân bản góp công, góp sức xây dựng. Ngay cả chiếc cầu treo bắc qua suối Chiến cũng là do dân bản chúng tôi góp tiền, góp công sửa chữa cả đấy".
Ngọc Chiến thay đổi từng ngày
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Thỏa, phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: Xã Ngọc Chiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, cách trung tâm huyện 32 km. Phía Bắc giáp huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; Phía Nam giáp xã Chiềng Muôn, Chiềng Ân huyện Mường La; Phía Đông giáp huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; Phía Tây giáp xã Nặm Păm, Hua Trai huyện Mường La. Tổng diện tự nhiên là: 21.219 ha; Toàn xã có 15 bản, với 2.305 hộ, 11.670 nhân khẩu; Có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Thái 65%, Mông 33%, La Ha 1,75%, Kinh 0,25%. Đảng bộ xã có 20 chi bộ trực thuộc, trong đó: 15 chi bộ bản, 03 chi bộ trường học, 01 chi bộ Trạm y tế, 01 chi bộ Công an xã với tổng số đảng viên là 518 đồng chí.
Cũng theo phó phó Chủ tịch UBND trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn do tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp chủ yếu là lao động chân tay và mùa vụ. Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử trên 50%: Hiện nay xã Ngọc Chiến dân số là 11.670 nhân khẩu qua rà soát tỷ lệ người dân sử dụng thiết bị thông minh chỉ hơn 4.000 người. Việc triển khai, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, bản nông thôn mới, còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng nông thôn cần nhu cầu vốn lớn. Trong khi xã Ngọc Chiến còn nhiều khó khăn, đã được huyện quan tâm nhiều nhưng chưa đáp ứng được, vẫn phải phát huy chủ yếu là nguồn nội lực của nhân dân.
Trước những khó khăn đó, xã Ngọc Chiến đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý cấp xã và Ban phát triển các bản, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng với thực tiễn. Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về ý nghĩa, mục đích của chương trình để nhân dân hiểu, chủ động phối hợp triển khai thực hiện. Tạo sự đồng thuận, hài lòng của nhân dân trong xây dựng xã nông thôn mới.
Chủ động rà soát các tiêu chí nông thôn mới chưa đạt được, xây dựng thành kế hoạch thực hiện xác định rõ nhiệm vụ, thời gian, lộ trình, phương pháp, cách làm cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả cao nhất. Kịp thời tuyên truyền đầy đủ các văn bản của cấp trên, thông qua các phương tiện đại chúng khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giao các tổ chức chính trị - xã hội xã phối hợp với trạm y tế lập sổ khám bệnh điện tử cho người dân.
Đến nay trên xã Ngọc Chiến đã 16/19 tiêu chí, 48 chỉ tiêu gồm các tiêu chí: Quy hoạch, Giao thông, thủy lợi và PCTT, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển nông thôn, giáo dục và đào tạo, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Nhờ huy động được sức dân trong xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn miền núi của xã Ngọc Chiến đã và đang có những đổi thay tích cực. Đời sống, thu nhập của người dân trong xã ngày càng được cải thiện, nâng cao.