|
  • :
  • :

Anh Bùi Xuân Quế khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao

Với mong muốn mang thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng, anh Bùi Xuân Quế, thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã mạnh dạn đưa nông nghiệp công nghệ cao về canh tác trên mảnh đất quê hương. Đến nay, sau 6 năm mày mò, tìm hướng đi, mô hình trồng dưa baby công nghệ cao của anh đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo hướng đi mới cho nông dân địa phương.

Anh Bui Xuan Que khoi nghiep tu nong nghiep cong nghe cao hinh anh 1

Mô hình trồng dưa leo baby công nghệ cao của anh Bùi Xuân Quế (đứng bên phải) mở ra hướng phát triển mới cho bà con trong vùng. Ảnh: baobacninh.com.vn

Theo đuổi đam mê

Anh Bùi Xuân Quế, sinh năm 1987, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã quyết tâm trở về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Xuất phát từ niềm đam mê với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, anh từ bỏ công việc ổn định cho doanh nghiệp của Nhật Bản với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng để tìm hướng đi riêng.

Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp, anh Bùi Xuân Quế cho biết, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân ngày càng cao, anh quyết định khởi nghiệp bằng trồng rau sạch. Tuy nhiên, con đường đi tới thành công của anh rất gian nan. Những ngày đầu, anh gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm trồng trọt, không am hiểu thời vụ, chưa có thị trường, nhất là thiếu vốn. Vì vậy, anh vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Ban đầu khởi nghiệp (năm 2017), anh có 10 triệu đồng tiền lương vừa nhận được khi nghỉ việc trong doanh nghiệp để mua cây, con giống, làm đất. Anh phải vay thêm vốn để mua phân bón... Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng để chứng minh con đường mình chọn là đúng đắn, anh đã không nản chí, theo đuổi ước mơ.

Ban đầu, khi mới làm nông nghiệp, anh lựa chọn trồng các cây hoa màu như su hào, bắp cải, dưa lê… Tuy nhiên, đây là các loại cây năng suất thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Đặc biệt, do anh trồng theo tiêu chí rau sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên cây sinh trưởng, phát triển chậm, thường xuyên bị sâu bệnh. Có vụ, anh bị mất trắng do ruộng rau bị mưa ngập. Con đường khởi nghiệp của anh đi vào bế tắc.

Giữa lúc khó khăn nhất, với ý chí, quyết tâm và sự động viên, khích lệ từ gia đình, người thân, anh tiếp tục mày mò, học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo, quyết định chuyển hướng sang trồng dưa baby trong nhà màng. Anh Bùi Xuân Quế cho biết, dưa leo là cây có giá trị kinh tế cao, thời gian canh tác từ trồng đến thu hoạch 30 ngày, thị trường tiêu thụ rộng. Do vậy, anh đã tìm hiểu sâu về kỹ thuật trồng cây này. Tuy nhiên, đây là loại cây rất khó tính, không ưa trồng liên tục trên một chất đất, không hợp với mưa, gió trực tiếp. Anh quyết định vay vốn khởi nghiệp của thanh niên (số tiền 350 triệu đồng) để xây dựng hệ thống nhà màng.

Với cách thức tự học, làm thử và rút kinh nghiệm, anh đã thành công ngay từ vụ dưa đầu tiên. Dưa có chất lượng tốt, từ bày bán trong các chợ truyền thống, dưa leo của anh được bán tại cửa hàng thực phẩm sạch, dần có chỗ đứng trên thị trường.

Nói về ý nghĩa của nguồn vốn khởi nghiệp, anh Bùi Xuân Quế cho biết, với thanh niên, nguồn vốn khởi nghiệp được ví như “bà đỡ” giúp hiện thực hóa ý tưởng. Thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp, giải ngân nhanh, nguồn vốn khởi nghiệp đã tạo động lực cho anh mạnh dạn làm kinh tế. Thấy hiệu quả kinh tế bước đầu của mô hình, năm 2020, anh cùng 5 thành viên khác thuê thêm hơn 5.200 m2 đất, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai để mở rộng sản xuất.

Chia sẻ thành công

Với việc thành lập Hợp tác xã, các thành viên trong Hợp tác xã cùng nhau góp vốn, cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai nhanh chóng trở thành điểm sáng phát triển nông nghiệp ở huyện Gia Bình nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung.

Để dưa có thể sinh trưởng và phát triển tốt, anh Bùi Xuân Quế quyết định đầu tư xây dựng nhà màng bảo ôn, có hệ thống làm mát, bón phân, tưới nước tự động. Việc xây dựng nhà màng bảo ôn giúp anh có thể điều chỉnh nhiệt độ vườn rau, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết và tránh côn trùng, sâu bệnh. Để tiện chăm sóc, gối vụ, đảm bảo sản phẩm thu hoạch đều, ổn định, toàn bộ diện tích nhà màng rộng hơn 5.200 m2 được chia làm 4 khu trồng dưa luân phiên cách nhau khoảng 20 ngày.

Trong quá trình sản xuất, toàn bộ nông sản của Hợp tác xã đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Các quy trình trồng và chăm sóc dưa được quản lý nghiêm ngặt, sử dụng phân bón từ chế phẩm sinh học...

Để tìm đầu ra ổn định, sản phẩm dồi dào, anh Bùi Xuân Quế thực hiện chuyển giao công nghệ cho những người có nhu cầu; đồng thời, đưa sản phẩm của mình vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Đến nay, mỗi tháng, gia đình anh thu hoạch hơn 10 tấn dưa. Mỗi năm, mô hình trồng dưa của anh đem lại doanh thu trên 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 20%, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Không bằng lòng với thành công bước đầu, vốn ham học hỏi, anh Bùi Xuân Quế thường xuyên đi thăm, tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Đầu năm 2022, anh dành một khu nhà màng trồng dâu tây. Anh kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới cho mô hình của mình khi thị trường dưa leo baby đang bị cạnh tranh do có nhiều người trồng.

Được anh Bùi Xuân Quế trực tiếp chuyển giao công nghệ, chị Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1974, thôn Phú Dư, xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình) cho biết, qua cách làm hiệu quả của Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai, chị đã xây dựng hơn 1.000 m2 nhà màng bảo ôn để trồng dưa leo. Trong quá trình trồng, chị được anh Quế tư vấn, hỗ trợ về giống, quy trình chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. So với làm nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật làm nông nghiệp hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao.

Trực tiếp đi thăm mô hình trồng dưa của anh Bùi Xuân Quế, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Nguyễn Đức Sâm khẳng định, anh Quế là tấm gương sáng, thể hiện sức mạnh của tuổi trẻ trong thực hiện ước mơ, hoài bão làm giàu chính đáng. Mô hình trồng dưa của anh Quế không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình anh mà còn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương. Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai và anh Bùi Xuân Quế đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất, đầu tư kinh phí, ứng dụng công nghệ cao, cung cấp cho thị trường nông sản an toàn.

Anh vinh dự là một trong những thanh niên tiêu biểu được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2021 - Giải thưởng cao quý của Trung ương Đoàn nhằm tôn vinh thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Thanh Thương

Nguồn: http://dantocmiennui.vn/anh-bui-xuan-que-khoi-nghiep-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao/324020.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin