Sáng ngày 19/10, PV Báo điện tử Trang trại Việt cùng người dân thôn Thuận Thượng trải nghiệm thực tế quét mã QR làm thủ tục hành chính khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân) qua cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng dẫn tại các bảng "Sáng kiến tổ công nghệ số cộng đồng" gắn tại các nhà văn hóa, khu công cộng ở thôn này nhưng hệ thống vẫn liên tục báo lỗi. Trong khi đó, chúng tôi ghi nhận thấy nhiều người dân ở xã Song Phượng phải lên tận tại phòng một cửa tại UBND xã này để làm các thủ tục hành chính.
Trải lòng về quá trình chuyển đổi số của địa phương mình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng (Hà Nội) Phan Công Tính cho biết, đến nay mô hình "Thôn thông minh" được huyện triển khai tại các xã đã đạt được nhiều kết quả khá tích cực nhưng vẫn còn rất nan giải, khó khăn như "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông".
Vừa làm vừa mò mẫm
Là đơn vị được UBND huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội) giao hướng dẫn, triển khai mô hình “Thôn thông minh” tại các xã nông thôn mới kiểu mẫu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng (Hà Nội) Phan Công Tính khẳng định: Do là địa phương mới triển khai mô hình mới nên chúng tôi vừa làm vừa mò mẫm, vừa làm, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm dần.
Theo ông Tính, trong quá trình triển khai mô hình "Thôn thông minh" Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan của huyện tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho các cán bộ công chức xã, hội viên, đoàn viên, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng xã, thôn về chuyển đổi số và hướng dẫn xây dựng mô hình “Thôn thông minh”.
Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với VNPT Hà Nội đã hỗ trợ lắp đặt pano các loại tại các điểm công cộng trên địa bàn, để tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số.
"Sau khoảng một năm triển khai mô hình “Thôn thông minh”, đến nay, toàn huyện Đan Phượng thành lập được 16 tổ công nghệ số cộng đồng ở 16/16 xã, thị trấn, 129 tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với 1.015 thành viên; 101 mô hình “thôn thông minh”, đạt 100% số thôn, tổ dân phố trên địa bàn....
Đối với giao tiếp thông minh, trên địa bàn huyện đã thành lập được 569 nhóm zalo của Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đại diện các hộ gia đình (mỗi gia đình cử đại diện 1 người tham gia nhóm). Các nhóm zalo là kênh tương tác, trao đổi, tuyên truyền, cung cấp thông tin, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng về y tế thông minh, dịch vụ công trực tuyến, VneID, VssID... cho các hộ gia đình trên địa bàn. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận thông tin của xã, thôn nhanh chóng, chính xác, thuận tiện.
Đối với xã hội thông minh, thương mại điện tử, huyện Đan Phượng đã lập mã QR hướng dẫn 5 thủ tục hành chính (khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân) gửi đến các xã, thị trấn, lắp đặt tại nhà văn hóa, điểm công cộng, đầu một số xóm, ngõ chính để người dân dễ dàng tiếp cận. Huyện cũng lắp 156 điểm wifi truy cập internet miễn phí để người dân khai thác thông tin, hình thành nơi sinh hoạt cộng đồng thông minh...
Cùng với sự đầu tư của huyện, các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, các tổ tự quản vận động xã hội hóa cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn lắp đặt hơn 2.700 camera an ninh và hơn 1.800 đèn năng lượng mặt trời tại ngã ba, ngã tư, trục giao thông, xóm, ngõ...
Tuy vậy, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng vẫn phải thừa nhận với PV Dân Việt, các bảng mã QR hướng dẫn 5 thủ tục hành chính (khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân) gắn tại các nhà văn hóa, khu công cộng của xã Song Phượng và các xã trên địa bàn huyện không còn phù hợp.
Vì vậy, người dân không thể quét, sử dụng được các mã QR tại các bảng hướng dẫn để làm thủ tục hành chính mà bà con vẫn phải để tận phòng một cửa của các xã để hoàn thiện thủ tục hành chính.
"Chúng tôi đang lên kế hoạch để thay thế các bảng mã quét QR mới hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính thuận lợi hơn. Việc này không khó nhưng phải chờ thêm một thời gian nữa", ông Tính nói.
Cần thay đổi tư duy nhận thức đến đầu tư hạ tầng viễn thông
Tâm sự tiếp, ông Tính cho hay: Khi chúng tôi thực hiện mô hình "Thôn thông minh" tại xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng gặp vướng mắc đủ thứ, khó khăn đủ bề. Ngay như về nhân lực công nghệ cũng rất hạn chế, trên huyện có 2 người giỏi công nghệ, một cán bộ ở phòng Văn hóa và Thông tin huyện, một người ở văn phòng huyện.
Toàn huyện có 16 xã chỉ có 3 người biết công nghệ nhưng đều là cán bộ kiêm nhiệm nên trong quá trình chuyển giao công nghệ cho các cán bộ công chức xã, hội viên, đoàn viên, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng xã, thôn về chuyển đổi số và hướng dẫn xây dựng mô hình “Thôn thông minh” gặp rất nhiều khó khăn, áp lực.
Tiếp nữa là về nhận thức về chuyển đổi số của bà con không đồng đều. Đối tượng như các thanh niên trẻ dễ tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới, dùng điện thoại thông minh để giao dịch trên hệ thống ngân hàng hay thậm chí là trả tiền cốc trà đá cũng thanh toán bằng tài khoản điện tử.
Tuy nhiên, đối tượng người có tuổi, người già rất khó tiếp cận công nghệ mới hoặc e ngại khó, mất thời gian khi sử dụng điện thoại thông minh để làm việc, hoàn thiện các thủ tục hành chính, tra cứu thông tin hàng ngày.
"Hai đối tượng này cần có cách tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về công nghệ khác nhau. Tuy vậy, đối tượng có tuổi, người già yếu rất khó để hướng dẫn, tuyên truyền họ sử dụng, áp dụng đưa công nghệ mới vào cuộc sống", ông Tính khẳng định.
Thứ 3 là hạ tầng viễn thông, trước đây các xã trên địa bàn huyện sử dụng 3G, 4G nhưng theo lộ trình của thành phố sẽ làm điểm 5G. Trước đây, huyện triển khai dựng trạm phát sóng khó khăn vì người dân lo ngại ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe nên bà con không đồng ý cho lắp đặt khiến hạ tầng viễn thông, sóng kém.
"Khi sóng yếu, người dân làm thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến khó khăn hơn, có lúc mạng quay tít, không vào hệ thống làm thủ tục khiến bà con rất chán nản và kêu ca nhiều lắm", ông Tính nói thêm.
Ông Tính nói tiếp: Việc triển khai làm thủ tục hộ tịch, hộ khẩu điện tử cũng gặp khó. Từ năm 2016 đến nay các thông tin đều được chuẩn hóa hết và kết nối với bộ nhưng từ trước năm 2016 chưa được chuẩn hóa, giấy tờ, hồ sơ lại rất nhiều. Trong chứng minh thư nhân dân cũng có phần rất vướng và không khớp với hồ sơ nên cũng rất khó thực hiện...
"Chúng tôi đang thực hiện chương trình chuyển đổi số theo ba trục gồm: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, huyện ngắm trước vào "xã hội số", trong đó có "công dân số" thì mới làm được "Chính phủ số". Trong khi đó, khi thực hiện "Chính phủ số", chúng ta không thể đi riêng được mà phải có sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Theo đó, chúng ta phải làm theo lộ trình của trung ương nhưng vẫn có nhiều cái mắc.
Ví dự như phần mềm quản lý văn bản phải đồng bộ nhưng trong công tác thử nghiệm lại gặp rất nhiều lỗi. Mặc dù phần mềm mới có sự cải tiến nhiều nhưng vẫn có lỗi, hệ thống mạng internet cũng gặp vấn đề... Nếu chúng ta truy cập vào với số lượng quá nhiều và đột ngột thì hệ thống sẽ treo ngay. Điều đáng nói là có những thủ tục hành chính của các bộ chưa kết nối với một cửa quốc gia nên khó làm, để giải quyết vấn đề này chỉ có Chính phủ mới làm được.
Hiện, tại Bộ LĐTBXH có phần mềm riêng, Bảo hiểm xã hội cũng có phần mềm riêng. Tuy vậy trong đó, chỉ có lĩnh vực bảo hiểm mới có kết nối chung với một cửa quốc gia... Theo đó, dù dữ liệu, thông tin trên phần mềm của các bộ ngành đều có cả nhưng các đơn vị không thể tự do khai thác được mà phải liên hệ với các cơ quan, bộ ngành để đăng ký mới được khai thác dữ liệu theo ý muốn.
Theo tôi vấn đề này cần phải đưa vào luật cùng với các quy định cụ thể cho từng nội dung, phân cấp, phân quyền cụ thể mới thực hiện thuận lợi và hiệu quả", ông Tính nói và cho rằng: Trong quá trình chờ có quy định cụ thể thì chúng ta vẫn phải triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Vì nếu không làm sẽ bị chậm. Trong quá trình làm cũng cần thực hiện theo lộ trình, từng bước mới hiệu quả.
Cũng theo ông Tính, hiện nay ngành văn hóa đang thực hiện chuyển đổi số nhưng không có dữ liệu. Ví dụ như về mảng di tích, địa phương phải tổng hợp hết các di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp thành phố thì bắt buộc phải có hồ sơ và được các cấp thông qua gồm hồ sơ di tích và hồ sơ góp ý. Tuy nhiên, hiện nay vấn đền này đang mắc ở nhiều điểm như về đồng bộ dữ liệu dân cư, đất đai... phải làm trước nhưng vấn đề này lại đang rất phức tạp.
Thứ 3 là hiện nay, hạ tầng thiết bị, máy tính của các xã, huyện trên địa bàn không đảm bảo và đáp ứng được trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng mô hình "Thôn thông minh" tiến tới, xây dựng "Xã thông minh".
"Huyện đầu tư mua sắm máy tính, thiết bị lần gần nhất vào năm 2018 nhưng qua nhiều lần nâng cấp đến giờ các máy vẫn hoạt động khá kém. Trong đó có khoảng trên 50% các máy móc tại các xã, huyện không đảm bảo chất lượng phải được thay mới mới thực hiện, cài đặc được các dữ liệu, phần mềm số", ông Tính chia sẻ thêm.
PV hỏi: Song Phượng là xã nông thôn mới kiểu mẫu được huyện chọn triển khai thí điểm xây dựng mô hình "Thôn thông minh" và tiến tới xây dựng "Xã thông minh", nhưng đến nay theo khảo sát của PV Dân Việt, một số chỉ tiêu, phần việc vẫn còn chưa thực hiện hiệu quả. Trong đó có các mã QR gắn ở các nhà văn hóa, điểm công cộng không hoạt động, hệ thống liên tục báo lỗi. Vậy mục tiêu mà địa phương đặt ra là đến năm 2025 sẽ hoàn thiện mô hình "Thôn thông minh" và để nhân rộng mô hình này ra các xã khác liệu có khả thi không?
Ông Tính cho rằng: Có thể giai đoạn này huyện chọn Song Phượng để triển khai thí điểm xây dựng mô hình "Thôn thông minh" nhưng sang giai đoạn khác có xã vượt lên, có nhiều sáng kiến mới hơn thì chúng tôi sẽ chuyển mô hình, chuyển địa điểm thí điểm để làm tốt và hiệu quả hơn.
Cần thực hiện linh hoạt hơn
Sáng ngày 19/10, PV Báo điện tử Dân Việt lại cùng người dân thôn Thuận Thượng, thôn Tháp Thượng trải nghiệm thực tế quét mã QR làm thủ tục hành chính khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân) qua cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng dẫn tại các bảng "Sáng kiến tổ công nghệ số cộng đồng" gắn tại các nhà văn hóa, khu công cộng ở thôn này nhưng hệ thống vẫn liên tục báo lỗi, không thể thực hiện được.
Trong khi đó, chúng tôi ghi nhận thấy nhiều người dân ở xã Song Phượng phải lên tận tại phòng một cửa tại UBND xã này để làm các thủ tục hành chính trên.
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Huế - Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng thừa nhận: Từ tháng 10/2022, xã Song Phượng triển khai xây dựng mô hình "Thôn thông minh" có gắn 20 bảng "Sáng kiến tổ công nghệ số cộng đồng"tại các điểm công cộng, nhà văn hóa của các thôn nhằm hướng dẫn người dân sử dụng mã quét thực hiện 5 thủ tục hành chính (khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân).
"Thời điểm mới gắn các bảng mã quét QR vẫn hoạt động được nhưng từ đầu năm 2023 đến thời điểm hiện tại khi đã chuyển đổi phần mềm và hệ thống quản lý văn bản mới... các mã quét trên không còn phù hợp nữa. Đến nay, người dân có nhu cầu làm các thủ tục hành chính vẫn phải lên tận phòng một cửa tại UBND xã và sẽ được cán bộ chuyên môn hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục qua cổng dịch vụ công trực tuyến", bà Huế nói.
Để chứng minh cho chúng tôi thấy các mã quét QR dán tại phòng một cửa của UBND xã vẫn hoạt động được, vị lãnh đạo xã Song Phượng dẫn phóng viên sang phòng một cửa để trực tiếp trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến của xã.
Tại khu vực tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính tại phòng một cửa của UBND xã Song Phượng, chúng tôi dùng điện thoại quét thử mã QR và làm theo hướng dẫn của vị lãnh đạo xã này thấy mã quét hoạt động bình thường.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng vẫn rất trăn trở, bà cho hay: Vừa qua, có trường hợp người dân lên phòng một cửa tại UBND xã để làm thủ tục khai tử cho người thân đã mất, cán bộ tư pháp của xã vào cổng dịch vụ công trực tuyến thực hiện thủ tục nhưng do trên cổng chưa liên thông hết giữa các bộ ngành nên cán bộ mới triển khai làm đến bước thứ ba phải dừng lại và công dân không thể hoàn thiện được hồ sơ mà phải ra về.
Cũng theo bà Huế, hiện nay hạ tầng công nghệ, các máy tính của xã đều đã cũ, cấu hình máy thấp nên không thực sự đảm bảo, phù hợp có thể cài đặt phần mềm, dữ liệu số mới. "Tôi mới chuyển về xã nên được cấp máy mới còn lại khoảng 19 máy tính ở cơ quan đều cũ, hoạt động kém cần được thay mới để đồng bộ được dữ liệu, phần mềm số", Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng bộc bạch.
Hiến kế thêm cho Chương trình chuyển đổi số quốc gia, bà Huế cho rằng: Thay vì triển khai làm đồng loạt, đại trà, chúng ta cần tính toán áp dụng, triển khai chương trình linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng, người dân sẽ hiệu quả hơn.
"Đơn cử như vừa qua, chúng tôi triển khai làm thẻ ngân hàng để trả tiền qua tài khoản cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, đây là các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, mỗi tháng mọi người được hỗ trợ có vài trăm nghìn đồng. Thậm chí trong số đó có người bị bệnh liên quan đến thần kinh thì làm sao có thể sử dụng được thẻ ngân hàng hay tài khoản điện tử. Đây là một bấp cập trong chuyển đổi số cần được các cấp sửa đổi, điều chỉnh lại cho hợp lý hơn.
Theo tôi, khi xây dựng "Công dân số", nhà nước cần tính toán và chọn các đối tượng có thu nhập và có điều kiện, năng lực, trình độ phù hợp mới có thể áp dụng và sử dụng dễ dàng các công nghệ mới", bà Huế kiến nghị.
Vị lãnh đạo xã Song Phượng cũng chỉ ra thêm bất cấp trong việc vận hành dịch vụ công trực tuyết giữa các bộ, các sở chưa có sự liên thông, đồng bộ dữ liệu, thông tin.
Đơn cử như việc cấp tiền mai táng phí, thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo như quy định thông thường là 24 ngày nhưng khi địa phương thực hiện thủ tục trên cổng dịch vụ công trực tuyến chỉ có 9 ngày. Tuy nhiên khi cán bộ xã làm thủ tục trên dịch vụ công trực tuyến gửi thông tin lên thì Sở LĐTBXH thành phố lại đẩy về vì cho rằng địa phương làm sai quy trình, sai quy định.
"Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết",bà Huế nói thêm.
Sẽ cho kiểm tra lại
Trao đổi với PV Dân Việt, Ông Lê Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, ông đã đọc bài báo: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Nản toàn tập khi "trải nghiệm" mã QR ở một xã nông thôn mới kiểu mẫu đăng trên Báo điện tử Dân Việt và đã nắm được thông tin về vụ việc ở địa phương.
"Tôi nghe các cán bộ báo cáo: Các mã quét QR dán tại các điểm công cộng, nhà văn hóa tại các thôn ở Song Phượng vẫn hoạt động bình thường nhưng thông tin trên báo chí lại ngược lại. Tôi sẽ cho cán bộ kiểm tra lại và xử lý ngay", ông Nam khẳng định.