Clip: Dù đầu tư mua và biết sử dụng hàng chục máy nông nghiệp hiện đại nhưng ông Trịnh Viết Chiến ở Hoa Lư (Ninh Bình) vẫn không thể vận hành máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, bón phân vì kém hiểu biết về công nghệ và sóng bay chập chờn. Thực hiện: Trần Quang
Mua máy bay 600 triệu nhưng không biết... lái
Là một trong những nông dân làm cánh đồng mẫu lớn đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, ông Trịnh Viết Chiến nổi danh là tay "chơi trội" khi lần lượt "trình làng" hàng loạt máy nông nghiệp từ máy làm đất, máy cấy, máy gặt, lò sấy lúa cỡ lớn.... và mới đây ông lại sắm thêm một chiếc máy bay không người lái trị giá 600 triệu đồng khiến cả làng phải "ngả mũ" thán phục.
"Dù tôi không biết chữ, thi bằng lái ô tô trượt liên tục nhưng giờ ngồi lên máy nông nghiệp nào tôi cũng lái ngon lành", ông Chiến vui vẻ chia sẻ.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về chuyện lái chiếc máy bay không người lái, ông Chiến lại lắc đầu: "Cái máy này hiện đại chạy bằng hệ thống điều khiển từ xa nên tôi "bó tay".
Ông Chiến cho biết, từ năm 2020, ông đã đầu tư mua máy bay phun thuốc sâu nhưng sau nhiều lần gặp sự cố và rơi khoảng 6-7 lần khiến ông rất chán nản.
"Khi mua máy bay, chúng tôi được công ty cho tập huấn bay phun thuốc rất kỹ và bài bản nhưng khi vận hành bay trên thực tế ở cánh đồng, dù không va hay gặp vật cản nhưng máy vẫn rơi. Mỗi lần rơi chúng tôi đều gọi cán bộ kỹ thuật của công ty để bảo hành, sửa chữa nhưng họ yêu cầu tôi phải gửi máy bay về công ty, đưa hộp đen sang Trung Quốc để phân tích, tìm nguyên nhân. Không chỉ tồn nhiều chi phí sửa chữa mà thiết bị của công ty cũng ít nên phải chờ khá lâu mới có thiết bị thay thế"- ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, gia đình ông đã phải chi hơn 500 triệu đồng mua máy bay nhưng chi phí sửa chữa trong khoảng hơn 2 năm sử dụng cũng đến cả trăm triệu đồng. Đến năm 2022, ông đành phải bán lại may bay cũ cho công ty với giá khoảng 100 triệu đồng và mua máy bay mới với giá gần 600 triệu đồng.
"Thời điểm đầu mua máy, phía công ty cũng có ý định đào tạo, hướng dẫn tôi vận hành máy bay nhưng khi biết tôi không biết chữ nên họ không dám dạy bay. Tôi có nhờ công ty dạy con gái (đã lấy chồng ở quê) và cháu ruột lái máy bay không người lái. Sau khi mua máy về, con gái tôi tập lái một thời gian cũng chán nên sang Nhật Bản làm ăn, ở nhà việc lái máy bay chỉ trông chờ vào đưa cháu ruột hỗ trợ, thỉnh thoảng con rể tôi cũng sang lái giúp nên cũng đỡ vất vả", ông Chiến nói thêm.
Hiện nay, ông Chiến đang cấy khoảng gần 150 mẫu ở trong và ngoài huyện nên khi đến mùa vụ ông thường xuyên đưa máy làm đất, máy cấy, máy bay... đến tận ruộng ở các vùng để làm. "Làm nông nghiệp quy mô lớn bằng máy móc rất tiện và hiệu quả. Dù người làm không phải lội ruộng nhưng năng suất lúa vẫn đạt cao, chi phí lại giảm nhiều. Nếu như người dân làm manh mún chi phí đến hơn 1 triệu đồng (gồm tiền giống, phân, thuốc, máy móc) nhưng tôi làm ruộng chỉ hết nửa công khoảng trên 600.000 đồng", ông Chiến khoe.
Bên cạnh việc sử dụng máy phục vụ sản xuất của gia đình, ông Chiến còn thường xuyên mang các loại máy đi làm giúp bà con trong và ngoài tỉnh. "Tôi rất sẵn máy, chỉ cần bà con có nhu cầu gọi điện đến là tôi đưa máy đến tận ruộng. Riêng máy bay của tôi nêu có sóng ổn đinh một ngày bay hết công suất có thể phun thuốc trừ sâu, bón phân hàng chục ha lúa", ông Chiến khẳng định.
Dù máy bay hoạt động rất hiệu quả nhưng thời gian gần đây, chiếc máy bay hiện đại của ông Chiến lại gặp vấn đề, khó bay. Từ khoảng tháng 8/2023, máy bay không người lái hoạt động rất phập phù, chập chờn, có hôm chúng tôi chở máy ra đồng pha xong thuốc nhưng máy không bắt được sóng để cất cánh khiến tôi rất bức xúc.
Theo kinh nghiệm làm nông của ông Chiến, trong thời điểm lúa mùa có sâu, bệnh, hàng ngày ông thường chọn thời điểm buổi chiều khoảng từ 14 giờ đến 17 giờ, trời nắng đẹp, cây lúa đã ráo sương để phun thuốc trừ sâu đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, do máy bay liên tục mất sóng khiến kế hoạch, công việc của ông bị đảo lộn khá nhiều.
Để tìm giải pháp khắc phục, hai bố con ông Chiến đã nhiều lần gọi điện cho đơn vị bán máy bay để phản ánh nhưng không có phản hồi tích cực. "Phía công ty họ bảo do bão từ và sóng từ máy chủ bên Trung Quốc kém nên không chỉ máy bay của tôi mà các máy bay hoạt động ở các vùng khác cũng gặp khó. Lúa đang nhiều sâu bệnh, máy bay mua đắt tiền mà không hoạt động được khéo chúng tôi phải trả máy về công ty", ông Chiến ngậm ngùi.
Máy bay đang bay thì... rơi, nông dân thiếu đơn hàng thuê phun thuốc
Cũng trong hoàn cảnh với ông Trịnh Viết Chiến, bà Bùi Kiều, nông dân ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cũng đang đau đầu vì máy bay liên tục mất sóng không thể cất cánh, thậm chí có thời điểm đang bay lại rơi bất ngờ nên bà đưa máy về công ty sửa chữa, bảo hành.
"Chúng tôi mua máy bay trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng đến giờ mới bay được vài lần trong khoảng tháng 4 và tháng 5. Tuy vậy trong quá trình lái, máy bay của tôi từng bị rơi 2 lần, một lần là trong lúc nhân viên của doanh nghiệp bán máy bay về lái bị rơi. Lần rơi thứ 2 là do con trai tôi lái bị mất sóng nên rơi giữa đồng hư hỏng nặng nên phải đưa về công ty sửa chữa", bà Kiều nhớ lại.
Hạ tầng sóng chưa đồng bộ
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Hữu Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tỉnh Ninh Bình cho biết, tôi cũng từng nhận được phản ánh của ông Chiến về tình trạng máy bay không người lái hoạt động phập phù vì sóng kém khoảng hơn 1 tháng (tháng 8/2023). Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 9/2023, có nông dân ở Yên Khánh thuê ông Chiến phun thuốc trừ sâu thấy máy bay vẫn hoạt động khá hiệu quả.
"Có thể do hạ tầng mạng, sóng vệ tinh chưa đồng bộ nên sóng phục vụ máy bay còn phập phù", ông Ngọc nói và cho biết, khi mua máy bay không người lái, ông Chiến cũng được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Khi xét duyệt hồ sơ và bay thử nghiệm thực tế phun thuốc trừ sâu, bón phân tại các ruộng, chúng tôi thấy máy bay không người lái hoạt động rất ổn định, hiệu quả nên đã hỗ trợ ông Chiến khoảng 200 triệu đồng để mua máy về phục vụ sản xuất", ông Ngọc khẳng định.
Bà Kiều cho biết thêm, máy bay không người lái là công nghệ mới nhất, máy bay hoạt động công suất lớn, tải trọng tối đa lên đến 40kg, tích hợp cả hệ thống xả lúa, điều khiển tự động. Ngoài ra, máy còn được trang bị nhiều tính năng thông minh, người sử dụng chỉ cần ở vị trí thuận lợi, điều khiển máy bay qua thiết bị điều khiển từ xa là drone sẽ cất cánh và phun thuốc cho toàn cánh đồng.
Nhờ công nghệ phun sương, các hạt thuốc được phun ra dưới dạng sương mù giúp thẩm thấu tốt, tăng hiệu quả diệt trừ sâu bệnh mà lại tiết kiệm thuốc, hiệu suất phun vượt trội. Nếu phun thủ công cho 1ha lúa phải mất hàng giờ đồng hồ thì giờ đây dùng máy bay chỉ mất 15 phút là xong, lại bảo vệ được sức khỏe cho người nông dân.
Đặc biệt máy bay không người lái còn có tính năng thông minh, xác định tình trạng cây trồng, tính toán chính xác lượng thuốc cần phun để tránh lãng phí thuốc và giảm tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi thu hoạch.
Cũng theo bà Kiều, khi dùng máy bay không người lái việc phun thuốc trừ sâu cho cây lúa sẽ thực hiện tự động hóa hoàn toàn, bình quân mỗi ngày có thể phun được khoảng 30-50ha, rút ngắn thời gian phun, tăng khả năng phòng trừ sâu bệnh, giảm thiểu độc hại cho con người, bảo vệ môi trường bởi toàn bộ vỏ bao bì thuốc BVTV được người chuẩn bị thuốc thu gom, xử lý tập trung đúng kỹ thuật.
Máy bay theo sơ đồ chấm điểm trên hệ thống tự vẽ đường bay trước nên trong quá trình phun không bị lọt, sót lúa. Khi đang phun nếu hết thuốc, máy bay tự cắm cờ đánh dấu vị trí đang thực hiện, bay về tiếp thuốc và tiếp tục phun.
Tuy vậy, bà Kiều cũng phải thừa nhận, việc sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu, bón phân, rải hạt giống ở các tỉnh miền Bắc còn quá nhiều khó khăn. "Chúng tôi mua máy về phục vụ sản xuất của gia đình nhưng chủ yếu là để phục vụ giúp dân làm lúa ở quê hương bớt sức lao động, tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào nhưng do các cánh đồng tại các xã, huyện trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh vẫn đa phần là làm manh mún, nhỏ lẻ. Có hộ chỉ cấy một vài sào nên bà con toàn dùng bình phun, rải phân, cấy lúa bằng tay nên chúng tôi có ít đơn hàng để làm", bà Kiều ngậm ngùi.
"Tôi đầu tư mua máy trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng đến giờ mới bay bay chưa nổi một vụ được vài chục ha. Tính chi phí bỏ ra thì gia đình bị âm vốn nặng", bà Kiều nói.
Do thiết bị và hạ tầng sóng hạn chế
Trước thông tin máy bay không người lái của nông dân khó bay phun thuốc trừ sâu do bão từ, ông Lê Huy Minh, chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho rằng: Trong thời điểm từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 8/2023 trên hệ thống của chúng ta không xuất hiện bão từ nên thông tin máy bay không người lái không hoạt động được do bão từ là không chính xác.
"Máy bay không người lái hoạt động bằng bộ điền khiển mặt đất, điện thoại thông minh cầm tay nên nếu không hoạt động được có thể do hạ tầng sóng cung cấp cho máy hạn chế và thiết bị có vấn đề nên mới khó cất cánh", ông Minh khẳng định.