Do đó, trong những năm qua, các loại cây trồng chủ lực như quế, chuối, dứa, dược liệu, chè... dù diện tích hàng hóa vẫn còn khiêm tốn song với quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo hướng tập trung đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ đã mang lại nguồn thu ngày càng cao cho nông dân.
Song song với việc gia tăng giá trị cây trồng, vật nuôi, Lào Cai đang tiếp tục mở rộng diện tích vùng sản xuất tập trung để thúc đẩy tăng trưởng sản lượng đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, coi "chất" và "lượng" là đôi cánh trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Phát huy thế mạnh nông nghiệp hữu cơ
Theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.500 ha nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi 14.000 ha từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ. Trong bối cảnh giá cả phân bón vô cơ lên xuống thất thường, thậm chí đang tăng vọt như hiện nay khiến người nông dân điêu đứng vì sản xuất không có lãi, thì sản xuất hữu cơ hiện được coi là giải pháp tối ưu.
Hợp tác xã chè Bản Liền, huyện Bắc Hà là doanh nghiệp đầu tiên áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Lào Cai. Với hơn 400 ha chè được công nhận hữu cơ, 310 hộ dân tham gia liên kết sản xuất, sản phẩm chè Bản Liền, được cấp 3 chứng nhận chất lượng của Mỹ và châu Âu. Từ khi tham gia vào thị trường đặc biệt khó tính này, bình quân mỗi năm, Bản Liền xuất bán gần 1.000 tấn chè các loại, doanh thu hàng chục tỷ đồng.
“Từ khi tham gia vào Hợp tác xã chè Bản Liền, chúng tôi không bón bất cứ loại phân gì cả, hàng năm chỉ đốn, làm cỏ rồi thu hái. Cách sản xuất, chăm sóc này cũng khác hẳn trước đây chúng tôi vẫn làm, nhưng bù lại chi phí sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm tốt hơn, chè thu hái về đến đâu được hợp tác xã thu mua hết”, chị Vàng Thị Diềm, xã viên Hợp tác xã chè Bản Liền cho biết.
Theo Giám đốc Hợp tác xã chè Bản Liền Phạm Quang Thận, việc sản xuất chè hữu cơ không chỉ thuận lợi cho nông dân, mà ngay doanh nghiệp cũng rất thuận lợi trong việc kiểm soát từ khâu trồng, chăm sóc và thu hái. Hơn nữa, việc sản xuất hữu cơ cũng góp phần bảo vệ đất, tránh bạc màu để sản xuất lâu dài.
Sau mô hình chè hữu cơ tại Bản Liền, sản phẩm tiếp theo của nông nghiệp Lào Cai được chứng nhận hữu cơ là quế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hơn 3.000 ha quế được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc tế, góp phần đưa Lào Cai trở thành một trong những tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất cả nước.
Diện tích quế của Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét hiện đã lên đến trên 1.800 ha; trong đó, khoảng 1.200 ha đang cho thu hoạch. Hàng năm, sản lượng vỏ quế tươi đạt gần 800 tấn, trên 40 tấn tinh dầu và gần 500m3 gỗ quế. Sản phẩm quế của hợp tác xã được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung đông và các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Theo đại diện các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, vùng nguyên liệu liên tục được mở rộng đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều việc làm thường xuyên hơn cho người lao động bởi các sản phẩm hữu cơ của Lào Cai thường xuyên trong tình trạng "cung không đủ cầu" dù thị trường thế giới những năm qua nhiều biến động. Hiện tại, Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét đang liên kết sản xuất với gần 100 hộ gia đình, tạo động lực để các gia đình hăng say hơn trong lao động, sản xuất.
Chị Triệu Thị Khé, thôn Nậm Đét, xã Nậm Đét chia sẻ: "Từ khi gia đình tham gia vào hợp tác xã đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây quế đảm bảo chất lượng; giá bán cao hơn, không bị tư thương ép giá như trước".
Mở rộng diện tích vùng sản xuất hàng hóa
Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 100 triệu đồng/ha canh tác. Mục tiêu này muốn thực hiện được, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm thì tăng quy mô các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa là nhiệm vụ quan trọng giúp nông nghiệp Lào Cai chuyển từ nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn và nông dân có thu nhập cao.
Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, Lào Cai đã chuyển đổi khoảng 2.426 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các cây chủ lực tiềm năng. Các loại cây trồng chủ lực đã mang lại nguồn thu lớn cho các địa phương với 62 tỷ đồng từ cây dược liệu, 175 tỷ đồng từ cây chè, 210 tỷ đồng từ cây chuối...
Cùng với đó, địa phương đã đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp. Lào Cai hiện có 44 dự án của các doanh nghiệp, hợp tác xã đang triển khai đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; bước đầu sử dụng các giống có năng suất, chất lượng như: Giống chuối tiêu xanh, chuối GL3-5; dứa Queen giống MD2… phù hợp với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai xác định: Chè, chuối, dứa, dược liệu, quế, lợn là những cây trồng vật nuôi có thể phát triển hàng hóa quy mô lớn. Mục tiêu là hướng đến các thị trường xuất khẩu khó tính như châu Âu hoặc cung ứng cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng cao cấp trong nước. Muốn làm được việc này thì yêu cầu đặt ra là cần thu hút nhiều hơn nữa, tạo cơ chế thông thoáng hơn nữa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai Đỗ Văn Duy cho biết, ngành đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trên cơ sở xây dựng cơ chế chính sách cho nông nghiệp; kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đến với nông nghiệp.
"Lào Cai có một chính sách rất đột phá, đó là thực hiện thí điểm việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, để tỉnh sẽ sử dụng ngân sách giải phóng mặt bằng, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư khi đã có mặt bằng sạch”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai nhấn mạnh.
Để tiếp tục tạo quỹ đất, mở rộng quy mô vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 1642/QĐ-UBND ngày 28/7/2022 về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn tỉnh năm 2022 nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất đối với diện tích đất lúa kém hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng hàng hoá tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được chứng nhận chất lượng.
Cụ thể, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Lào Cai năm 2022 là gần 190 ha. Trong đó, chuyển đổi sang trồng cây hàng năm hơn 152 ha; sang trồng cây lâu năm gần 21 ha; sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 16,6 ha. Có 7 huyện, thị xã, thành phố thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trong năm 2022 gồm: thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà.
Hương Thu