|
  • :
  • :

ÐBSCL chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn 

ÐBSCL đang vào cao điểm mùa khô trong khi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ tương đương trung bình nhiều năm. Do đó, bảo vệ sản xuất, chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân đang là nhiệm vụ cấp bách.

Nông dân huyện Chợ Lách (Bến Tre) làm hồ chứa nước ngọt rất sớm để tưới cây, đề phòng hạn mặn gay gắt. Ảnh: ÐẠI DƯƠNG

Bảo vệ sản xuất

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 21-24/2, xu thế xâm nhập mặn ở ÐBSCL tiếp tục tăng, sau đó giảm. Ðộ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức tương đương độ mặn cao nhất tháng 2-2022. Chiều sâu ranh mặn 1‰ trong thời kỳ từ ngày 21-28/2, trên sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn từ 65-70km; sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại từ 50-55km; sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên từ 60-65km; sông Hậu từ 55-60km; sông Cái Lớn từ 25-30km. Chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ từ ngày 21-28/2 trên các sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 50-60km; sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại 40-48km; sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên 50-56km; sông Hậu 40-45km; sông Cái Lớn 20-25km.

Trước tình hình xâm nhập mặn tăng, tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cống đập ngăn mặn, trữ ngọt cặp theo bờ Bắc sông Tiền gồm Cái Sơn, Mù U, Hai Tân, Cây Cồng, Phú Phong và Rạch Gầm trên đường tỉnh 864 thuộc địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy. Các cống trên nằm trong Dự án đầu tư xây dựng các cống tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (giai đoạn 1) có tổng kinh phí khoảng 880 tỉ đồng, khi hoàn thành có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản phía Nam quốc lộ 1, chủ yếu là sa-pô, sầu riêng, cây có múi...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh hiện có trên 62.223ha lúa đông xuân, trong đó 709ha ở giai đoạn mạ, 29.312ha đẻ nhánh, diện tích còn lại đang giai đoạn phát triển đòng trổ có nguy cơ ảnh hưởng của mặn gây thiệt hại và giảm năng suất. Ðể bảo vệ sản xuất, UBND tỉnh Trà Vinh vừa giao Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan và UBND các địa phương theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn, thường xuyên phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh. Các địa phương, đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó; vận hành linh hoạt, khoa học cống Bông Bót (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) - công trình cống ngăn mặn rất quan trọng để ngăn mặn khi nước mặn lấn sâu vào phía sông Hậu và điều tiết nguồn nước ngọt cho phía hạ nguồn các huyện vùng ven biển khi không có mặn. Khẩn trương trữ đủ lượng nước ngọt phục vụ sản xuất trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng và cả trong mùa khô. Ðặc biệt bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt và cây ăn trái trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và Cà Mau vận hành có hiệu quả hệ thống cống đầu mối, cống phân ranh mặn - ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, tôm…) đạt hiệu quả. Ðồng thời, phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam (Bộ NN&PTNT) vận hành hiệu quả cống âu thuyền Ninh Quới để đảm bảo ngăn được mặn xâm nhập lên 5 ngã, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng và tiếp nước ngọt sông Hậu về phục vụ vụ lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hằng tháng lấy mẫu nước mặt tại 8 điểm trên địa bàn tỉnh (đại diện cho từng vùng mặn, ngọt, lợ) để phân tích các chỉ tiêu, thông báo kết quả quan trắc này phục vụ sản xuất của người dân... Ðồng thời thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động điều tiết, sử dụng nước hiệu quả, phù hợp với khả năng nguồn nước cho từng thời kỳ. “Chi cục đã phối hợp các địa phương nạo vét những tuyến kênh chính, nội đồng; bố trí, sắp xếp thời gian vận hành các cống phân ranh để điều tiết nước mặn - ngọt cho các vùng chuyên canh và luân canh, đảm bảo việc sản xuất lúa, nuôi tôm của người dân” - ông Lai Thanh Ẩn cho biết.

Chủ động nguồn nước phục vụ dân sinh

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, qua thống kê ban đầu, toàn tỉnh có hơn 30.200 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, Kiên Lương, U Minh Thượng, Giang Thành và một số đảo của huyện Kiên Hải. Ðến nay tỉnh đã đầu tư hơn 31 tỉ đồng để đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn, trung tâm các huyện, thành phố và xã, phường thị trấn, khắc phục tình trạng thiếu nước của một số khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, vận hành hiệu quả các cống đập để giữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho các nhà máy nước trên địa bàn huyện Kiên Lương, Châu Thành, TP Rạch Giá và Hà Tiên. Mặt khác, chủ động tích nước an toàn vào các hồ chứa Dương Ðông (TP Phú Quốc), Bãi Nhà (huyện Kiên Hải), hồ chứa nước ở một số xã đảo để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên đảo, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành đưa vào sử dụng các hồ chứa nước đang xây dựng. Rà soát, thống kê các hộ dân ở phân tán thuộc những khu vực vùng sâu, vùng xa, chưa có trạm cấp nước hoặc chưa có tuyến ống đi qua để đầu tư hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa chứa nước và hóa chất xử lý nước khẩn cấp để có nước sử dụng.

Hiện Cà Mau là địa phương duy nhất ở ÐBSCL không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn, luôn đối diện nguy cơ mặn xâm nhập từ biển Ðông và biển Tây. Vì vậy, người dân sống trong vùng ngọt hóa đã bơm nước từ sông, rạch vào ao để tích trữ nước ngọt... Tại Bạc Liêu, Sở NN&PTNT tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó điều tiết nước đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt; quản lý chặt chẽ chất lượng, vệ sinh nguồn nước để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn vùng ÐBSCL mùa khô năm 2022-2023 ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long tập trung trong tháng 3-2023 (từ ngày 18 đến 25-3); tại các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4-2023 (từ ngày 18 đến 25-3, từ ngày 17 đến 23-4). Tình hình xâm nhập mặn ở ÐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông MeKong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Do đó các địa phương cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/-bscl-chu-dong-phong-chong-han-xam-nhap-man-a156626.html