"Không biết doanh nghiệp kham nổi được bao lâu"
Đó là lời than thở của ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau tại "Diễn đàn tôm Việt 2021 online - Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch Covid-19" mới đây. Ông Bằng cho hay, Cà Mau hiện có 38 nhà máy chế biến thủy sản. Chi phí sản xuất vốn đã cao, nay thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải thuê khách sạn, nhà trọ và thuê xe vận chuyển khiến chi phí tăng thêm, dẫn đến giá tôm thu mua vào bị giảm.
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cũng thông tin về tình hình giá tôm đang thấp, tỉnh có thể vận động người dân thả nuôi tôm đạt kế hoạch đề ra, nhưng hiệu quả kinh tế thì không đạt. Ông Võ Quan Huy - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng chủ trương giãn cách xã hội nhiều lúc, nhiều nơi đã gây khó khăn cho người nuôi tôm, chưa kể nhiều địa phương làm "quá tay" khiến bà con nuôi tôm mất mát nhiều.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết, tỉnh hiện có gần 12.000ha thanh long. Nhiều doanh nghiệp đứng trước áp lực thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân nhưng phải chịu nhiều chi phí như vận chuyển khó khăn hay thực hiện test nhanh 3 ngày/lần cho công nhân đi thu mua thanh long...
Ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Trường Giang (Khu công nghiệp Sa Đéc) cho biết, xác định tình hình chung sản xuất năm 2020 sẽ khó khăn cho nên doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý. Trăn trở với ngành cá tra, ông Văn cho rằng, trong hoàn cảnh khó chồng khó hiện nay, không phải là doanh nghiệp gặp khó mà chính người nông dân sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất. Bởi giá cá hiện chỉ còn 18.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 22.000 - 23.000 đồng/kg. Do vậy, bình quân người nuôi sẽ lỗ từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Còn theo ông Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, khó khăn lớn nhất trong việc lưu thông hàng hóa là do toàn bộ các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội. Một số địa phương còn có thêm các điều kiện quy định riêng khiến hoạt động vận tải hết sức khó khăn. Vận tải khó khăn khiến hàng triệu tấn lúa tại ĐBSCL bị ùn ứ, trong khi nhiều tàu hàng nước ngoài đang nằm chờ hàng. Nông sản, thủy sản không được vận chuyển kịp thời, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí vận chuyển rất cao, gấp 2-3 lần so với thời điểm bình thường. Còn với những doanh nghiệp sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất nhằm giữ đơn hàng song cũng có một số doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất.
Có luồng xanh cũng... khó
Ông Ngô Thanh Toàn - Giám đốc một công ty thủy sản ở TP.Cần Thơ phản ánh: ở Tiền Giang, doanh nghiệp của ông qua huyện Tân Phú Đông chở tôm thu từ vùng nuôi của mình về Cần Thơ tiêu thụ bằng xe có đăng ký "luồng xanh", nhưng khi đến chốt ở địa phương này lại không được cho đi. Doanh nghiệp phản ánh khắp nơi, từ 17 giờ đến 19 giờ mới được cho đi...
Ông cho biết xe "luồng xanh" của doanh nghiệp cũng bị làm khó như vậy ở Sóc Trăng. Ông Toàn kiến nghị cần cho phép doanh nghiệp đăng ký tài xế, phương tiện cụ thể để được cấp thẻ ưu tiên có thể lưu thông trên tất cả các tuyến đường thuộc "luồng xanh" và việc này cần được quy định nhất quán trên phạm vi toàn quốc chứ không riêng địa phận nào.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho rằng thời gian tới tình hình có nhiều thay đổi khi vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm bao phủ ở mức nhất định và giãn cách xã hội đã kéo dài quá lâu, vì vậy cần xem xét lại việc tổ chức sản xuất một cách phù hợp hơn. Ông Hòe kiến nghị Bộ NNPTNT cần thúc đẩy các địa phương cụ thể hơn trong sản xuất, chế biến thủy sản, như đối với tỉnh dựa vào nguồn thu dựa vào thủy sản chủ yếu thì cần thế nào, tỉnh nuôi cá tra là chủ yếu thì nên thế nào...
Ngoài ra, quy định "1 cung đường, 2 điểm đến" hiện nay cần để cho doanh nghiệp tự nguyện, tự chịu trách nhiệm chứ không phải theo kiểu đăng ký với cơ quan chức năng, được thì cho hoạt động, không được thì "khóa", không cho sản xuất, mà ông cho rằng như vậy là "cực đoan quá".
Còn ông Võ Quan Huy cho rằng cần tạo điều kiện đi lại liên ấp, liên xã đối với người đã tiêm 1 mũi vaccine sau 15 ngày và đi lại liên huyện, liên tỉnh đối với người tiêm 2 mũi sau 15 ngày; nghiên cứu mở lại các chợ đầu mối vì đây là kênh tiêu thụ khoảng 10% của ngành tôm. "Có như thế mới không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở con đường sống sau giãn cách" - ông Huy nhấn mạnh.